Cả nước có 880 cơ quan báo chí, trong đó có 808 báo và tạp chí, 72 đài phát thanh và truyền hình. Số lượng người hoạt động trong lĩnh vực báo chí là khoảng 41.000 người, trong đó có khoảng 21.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề.
Báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển về nội dung và đội ngũ những người làm báo, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
Báo chí góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chủ động đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Nhiều cơ quan báo chí nỗ lực nghiên cứu, xây dựng đề án chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, tiếp cận với đông đảo công chúng báo chí.
Bên cạnh những kết quả tích cực, báo chí cũng gặp nhiều khó khăn về kinh tế báo chí. Trong đó, nguồn thu từ phát hành báo chí, nhất là báo in đang ngày càng giảm.
Doanh thu từ quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng do các cơ quan báo chí phải cạnh tranh với nguồn thông tin khổng lồ trên không gian mạng, gần 80% quảng cáo trực tuyến chảy vào các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, còn lại khoảng 20% quảng cáo trực tuyến từ các cơ quan báo chí.
Theo Bộ TT-TT, các quy định pháp luật về quảng cáo trên báo chí đang hạn chế tỷ lệ quảng cáo trên báo chí, chưa tạo động lực thúc đẩy phát triển quảng cáo trên báo chí, tạo nguồn thu cho báo chí.
Các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới/đại lý quảng cáo vì mục tiêu lợi nhuận nên không kiểm soát nội dung; chưa có chế tài xử lý phạt hành chính đối với các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới...
Về giải pháp khắc phục, Bộ TT-TT cũng cho rằng, hoàn thiện quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet và thông tin trên mạng; bổ sung quy định yêu cầu các nền tảng phải định danh các tài khoản livestream quảng cáo và phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định về quảng cáo.
Cùng với đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo; bổ sung quy định, chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân nước ngoài vi phạm trong hoạt động quảng cáo tại Việt Nam; tiếp tục công tác điều hướng dòng tiền quảng cáo vào báo chí và tài khoản, kênh nội dung đã thông báo với Bộ TT-TT...
Theo báo cáo của Bộ TT-TT, năm 2022, tổng doanh thu của cơ quan báo và tạp chí toàn quốc là 9.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ quảng cáo, phát hành là 4.700 tỷ đồng. Đến năm 2023, tổng doanh thu giảm còn 8.600 tỷ đồng, giảm 9,4% so với năm trước, trong đó quảng cáo giảm 14,8%. Các đài phát thanh - truyền hình có doanh thu hơn 15.158 tỷ đồng trong năm 2022, đến năm 2023 giảm còn 11.939 tỷ đồng, giảm gần 23% so với năm 2022.