Tham dự phiên thảo luận tổ ĐBQH TPHCM, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà đã phát biểu tiếp thu, giải trình nhiều vấn đề vừa được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu.
Tiếp thu ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Lệ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, việc hạn chế tiếp cận đất đai không thể không quy định trong luật. Cơ quan soạn thảo đã cố gắng cụ thể hóa rất nhiều quy định vào luật thay vì giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Ông nói: “Ban đầu có đến hơn 80 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết, nhưng dự thảo trình ra Quốc hội lần này chỉ còn lại hơn 20 điều, chưa đưa vào luật là vì có thể phù hợp với địa phương này mà không đúng với địa phương khác”.
Liên quan đến ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Lệ về gia hạn quyền sử dụng đất, ông Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật lần này sẽ quy định theo hướng mở rộng quyền được gia hạn thời gian sử dụng đất vào bất kỳ lúc nào chủ đầu tư có nhu cầu.
Hiện nay Dự thảo Luật Đất đai chỉ cho phép tổ chức, cá nhân, hộ gia đình gia hạn thời gian sử dụng đất khi gần hết thời hạn; trong khi các doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản có rất nhiều dự án sắp hoàn thành thi công, nhưng thời gian xây dựng đã chiếm từ 5 - 10 năm trên tổng thời hạn sử dụng đất, thời gian còn lại chẳng còn bao nhiêu.
Nếu được gia hạn ở thời điểm hợp lý (chẳng hạn khi vừa hoàn thành xây dựng dự án), thì thời hạn sử dụng đất vẫn còn 50 năm tính từ thời điểm đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp tập trung kinh doanh và thu lợi.
Trước đó, ĐB Nguyễn Thị Lệ nhận định, việc trao quyền gia hạn bất kỳ lúc nào cho người sử dụng đất không hề ảnh hưởng đến ngân sách của Nhà nước. Khi gia hạn, cơ quan chính quyền có thể yêu cầu người sử dụng đất nộp bổ sung để cộng vào số tiền đã nộp trước đó, vẫn đảm bảo được nguồn thu cho Nhà nước vừa tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất hưởng lợi từ đất đai.
Để đảm bảo hiện thức hóa được đề xuất này, vấn đề nộp tiền sử dụng đất cũng cần được xem xét chi tiết và điều chỉnh sao cho linh hoạt hơn, không nhất thiết cứ hết hạn thì đóng tiền, hoặc đăng ký sử dụng đất ban đầu thì mới được đóng tiền sử dụng đất, ĐB Lệ kiến nghị.
Về miễn giảm tiền sử dụng đất, Bộ trưởng giải trình, việc miễn giảm có thời hạn theo mục đích sử dụng đất hoặc đối tượng thuê đất toàn bộ thường gặp vướng mắc vì khó xác định. Nay dự thảo Luật sửa đổi theo hướng miễn toàn bộ thời gian cũng không gây thất thoát nguồn thu cho Nhà nước, vì trường hợp được miễn tiền thuê đất thì quyền sử dụng đất bị hạn chế, người sử dụng không được toàn quyền định đoạt, mà phải quản lý đúng theo mục đích khi được giao đất.
Về quy hoạch sử dụng đất, Bộ trưởng nhìn nhận, vấn đề lớn nhất là đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các loại quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch xây dựng, giao thông… để cộng hưởng, tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất.
Đặc biệt lưu ý đến tình trạng lộn xộn trong phân lô bán nền, người đứng đầu ngành TN-MT khẳng định, quan điểm của ban soạn thảo là phải có quy hoạch 1/500 mới được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Riêng với khu vực nông thôn, xét đến tính đặc thù, nên các khu vực mà người dân đang ở ổn định thì cũng có thể cho phép tách thửa, phân lô; nhưng phải giám sát chặt chẽ, phòng chống hiện tượng đầu cơ tiêu cực.
Phản hồi ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh về các phương pháp tính giá đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, 4 phương pháp tính giá đất được nêu trong dự thảo Luật đã được đúc rút từ kinh nghiệm quốc tế với những tiêu chí khá rõ ràng, cái khó là ở Việt Nam xưa nay giá giao dịch thực tế không khớp với giá do Nhà nước quy định.
“Phương pháp mới nhất và sát thực nhất là định giá theo vùng giá trị, nhưng chỉ làm được khi có bản đồ địa chính số và công tác thu thập thông tin phải làm rất tốt, phản ánh đúng thực tế giao dịch của người dân”, ông nói. Theo Bộ trưởng, trong khoảng 5 năm tới, cơ chế này có thể được vận hành trôi chảy.
Một điểm tiếp thu quan trọng khác của Bộ trưởng Trần Hồng Hà liên quan đến ý kiến của ĐB Tô Thị Bích Châu về việc bồi thường cho những thiệt hại của người thuê đất lâu dài, đã đầu tư nâng cao giá trị đất đai trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi.