Chiều 7-6, tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình trước Quốc hội liên quan đến lĩnh vực tài chính chi ngân sách cho KH-CN.
Về bố trí ngân sách chi cho KH-CN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023, tổng chi ngân sách chiếm 0,82%, chi đầu tư là 0,23%, chi thường xuyên là 0,58%. Năm 2022, tỷ lệ chi ngân sách là 1,01%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi trước phiên làm việc chiều 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC |
Về quyết toán chi ngân sách, Bộ Tài chính và Bộ KH-CN đã ban hành thông tư liên tịch về cơ chế khoán, nhiệm vụ chi khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách, theo hướng thiết kế căn cứ vào hiệu quả, kết quả đầu ra để chi ngân sách.
Theo đó, thông tư này giao quyền chủ động cho đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức kinh phí được giao khoán. Với kinh phí không giao khoán thì thực hiện theo đề xuất của tổ chức chủ trì và cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc kiểm soát chi chuyển từ khoản chi theo hóa đơn chứng từ hồ sơ sang chi theo bảng kê công việc. Điều đó cho thấy cơ chế mở trong thực hiện khoán chi trong KH-CN.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình trước Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC |
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những tồn tại trong quá trình tuyển chọn, giao đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, nên kinh phí giao muộn. Bên cạnh đó, việc thực hiện giao khoán lại thực hiện theo hướng hồ sơ chứng từ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học.
Thời gian tới, Bộ KH-CN sẽ chủ trì, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành khác để sửa một số nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực KH-CN để phù hợp hơn.
Về cơ chế quản lý khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng cần thiết kế hoàn thiện lại để phù hợp hơn, cụ thể là đối với Nhà nước, nên đặt hàng và thanh toán theo sản phẩm đặt hàng.
Theo ông, việc đặt hàng có thể thực hiện đấu thầu, có thể chỉ định thầu, qua đó lập dự toán, căn cứ từ đó chọn những tổ chức nghiên cứu đảm bảo được sản phẩm đầu ra, giúp việc thanh toán được thuận lợi hơn. Cùng với đó, cần quy định việc chuyển giao, ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC |
Cùng giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm, xây dựng chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp được tiếp cận chương trình này.
Bộ đang phối hợp với TPHCM, Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế nhân rộng mô hình này, với tinh thần kết nối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, nhưng địa phương đầu tư và quản lý.
Đại biểu Quốc hội dự phiên chất vấn chiều 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết hiện đã xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, theo đó đã hình thành được 8 văn phòng ở các nước phát triển, quy tụ gần 2.000 chuyên gia, nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới trong mạng lưới này.
Đây là một nguồn lực hết sức quý giá, vô giá để kết nối với trần lực lượng nghiên cứu trong nước, hỗ trợ bổ trợ cho trong nước, tranh thủ nguồn lực này phát triển đất nước.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT: Địa phương chi cho khoa học công nghệ còn thấp
Giải trình về chi cho đầu tư KH-CN và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trách nhiệm của Trung ương đã chi theo đúng quy định, việc bố trí có trọng tâm, trọng điểm.
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến năm 2023, tỷ lệ chi giảm dần, chỉ đạt 1,1% - 1,18%, riêng năm 2023 là 0,83%. Trong khi đó các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị quy định đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho KH-CN, đổi mới sáng tạo và tăng dần lên theo các năm.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhận định, điều này cho thấy, các bộ, ngành địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa có đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn, có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí tỷ lệ rất thấp cho hoạt động này.