Từ 8 giờ 40 ngày 8-6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Các ý kiến chất vấn đối với lĩnh vực tài chính chủ yếu tập trung vào giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xác định giá quyền sử dụng đất; công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhất là các vấn đề liên quan đến nhà đất; công tác quản lý thị trường chứng khoán; giải pháp tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; quản lý xe biếu tặng; giải pháp ngăn chặn, chấn chỉnh vi phạm trong lĩnh vực tài chính; quản lý giá sách giáo khoa...
Phát biểu trước khi trả lời, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, những năm qua, bộ đã nỗ lực để quản lý lĩnh vực tài chính, kiến tạo chính sách nhằm đóng góp cho sự phát triển của đất nước. “Với tinh thần cầu thị, có những vấn đề chúng tôi trả lời thẳng, có vấn đề trả lời bằng văn bản, sẽ tiếp thu tối đa ý kiến các ĐBQH”, Bộ trưởng nói. Có 79 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đáng chú ý, ĐB Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương), Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) chất vấn tại sao dù Bộ GD-ĐT đã kiến nghị nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa đưa sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá.
Theo Bộ trưởng, SGK không phải là mặt hàng Nhà nước định giá mà là thuộc mặt hàng kê khai giá, nên quyền định giá thuộc nhà xuất bản. Các nhà xuất bản kê khai giá với Bộ Tài chính, công khai, minh bạch để người mua lựa chọn. Còn đưa SGK vào danh sách Nhà nước định giá hay không là do Quốc hội quyết định.
Hiện nay chúng ta đang tiến hành sửa Luật Giá. Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính đã thảo luận, thống nhất trình với Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Quốc hội là đưa vấn đề giá SGK vào Luật Giá để Quốc hội quyết định.
Không hài lòng với trả lời này, ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) tranh luận cho rằng, vấn đề này đã được đặt ra từ lâu nhưng tại sao đến nay vẫn là “sắp tới”.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, không chỉ SGK mà các mặt hàng thiết yếu liên quan đến cuộc sống của người dân phải được đưa vào nhà nước định giá. “Ví dụ như giá kit xét nghiệm Covid-19 vừa qua, không thể để doanh nghiệp kê khai. Bộ Tài chính phải có quản lý về giá các mặt hàng thiết yếu để không ảnh hưởng đến cuộc sống của dân”, ĐB Phạm Văn Hòa phát biểu.
Về vấn đề giảm thuế xăng dầu, Bộ trưởng cho biết, nhiều ý kiến đề nghị giá xăng dầu lên cao thì có giảm không, đây là vấn đề thuộc thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội. So với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia thì giá xăng dầu của Việt Nam vẫn cao hơn. Vừa qua đã giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu. Còn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng là do Quốc hội quyết định.
Nhưng trước mắt, Bộ Tài chính sẽ có báo cáo đánh giá tác động báo cáo Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình ra Quốc hội về việc có giảm thuế với xăng dầu không. Nhưng phải tiến hành các giải pháp đồng bộ, giảm thuế thì phải chống được buôn lậu xăng dầu, đẩy mạnh sản xuất xăng dầu trong nước… nhằm bảo đảm cung-cầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, để Quốc hội quyết định các vấn đề thuế phí thì Chính phủ phải trình. Cử tri, nhân dân trông chờ Bộ Tài chính sẽ có những động thái tham mưu chính sách cụ thể.