Sáng 5-6, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực kiểm toán.
Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bộ đã thực hiện đúng quy định là quản lý chất lượng kiểm toán thông qua ban hành các chiến lược, cơ chế, chính sách, thông qua việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức kiểm toán.
Trong năm 2023-2024, Bộ Tài chính đã thanh tra, kiểm tra 20 doanh nghiệp kiểm toán, trong đó có 11 doanh nghiệp kiểm toán độc lập đạt yêu cầu, 7 doanh nghiệp kiểm toán không đạt yêu cầu, 1 doanh nghiệp kiểm toán yếu.
Cùng với đó, bộ tiến hành kiểm tra 62 hồ sơ kiểm toán, trong đó có 16 hồ sơ đạt yêu cầu, 26 hồ sơ không đạt yêu cầu, 20 hồ sơ yếu kém. Từ đó, bộ đã đình chỉ 7 kiểm toán viên, nhắc nhở 21 kiểm toán viên.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2024 sẽ thực hiện kiểm tra 20 cho đến 24 doanh nghiệp, trong đó có 8 doanh nghiệp có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán.
Về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, mặc dù không kiểm toán SCB nhưng Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị, lưu ý với ngân hàng này. Đối với kiểm toán độc lập, SCB đã thuê công ty kiểm toán nước ngoài thực hiện kiểm toán.
“Trong quá trình thực hiện kiểm toán này, cũng có những vấn đề thiếu sót, sai phạm, có vấn đề mà cơ quan công tố, cơ quan điều tra cũng đã điều tra xử lý vụ án”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin và nhấn mạnh, thời gian tới, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, Bộ Tài chính tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập để phục vụ dịch vụ kiểm toán của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội (ĐB) Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho biết, thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hàng chục ngàn tỷ đồng. Song, thực tiễn cho thấy, vẫn còn tình trạng sai phạm trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm và trong mỗi lần kiểm toán, kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số nơi chưa nghiêm.
ĐB đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị giải pháp để khắc phục tình trạng này?
Trả lời chất vấn của ĐB Trần Khánh Thu về kỷ cương, kỷ luật tài chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, ngoài nguyên nhân vướng mắc về cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn định mức, còn có nguyên nhân cơ bản là không thực hiện, trong đó có ý thức trách nhiệm, trình độ năng lực, tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, vai trò người đứng đầu và công tác phối hợp.
Trước đó, tham gia chất vấn, ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, vụ việc của SCB xảy ra trong thời gian vừa qua được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Theo thông tin đại chúng cho thấy nhiều công ty kiểm toán đã kiểm toán, báo cáo tài chính của SCB tuy nhiên không phát hiện ra được dấu hiệu bất thường tại ngân hàng này. ĐB Mai Văn Hải đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước đối với các vụ việc như vụ việc của SCB vừa qua.
Về vấn đề trên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, vụ việc SCB không thuộc phạm vi của Kiểm toán Nhà nước. Theo quy định, SCB thuộc đối tượng kiểm toán độc lập, trách nhiệm thuộc về các đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán.