Tình trạng lợi dụng thời gian thông quan nhanh cho tờ khai luồng xanh để buôn lậu, gian lận thương mại là vấn đề được đại biểu (ĐB) Vương Thị Hương (Hà Giang) đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trong phiên chất vấn sáng nay, 18-3.
ĐB nhận xét, hiện nay số lượng tờ khai hải quan được hệ thống phân luồng xanh chiếm tỷ trọng lớn, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với tờ khai luồng xanh rất nhanh, chỉ từ 1-3 giây, các thủ tục được thực hiện thông qua hệ thống thông quan tự động.
“Tuy vậy, một số doanh nghiệp lợi dụng thời gian thông quan nhanh cho tờ khai luồng xanh để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại… Giải pháp của Bộ để khắc phục tình trạng này?”, nữ ĐB chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời, đối với luồng xanh, hàng hóa gần như được thông quan tự động, các hồ sơ được chuyển theo dạng điện tử, hàng hóa không bị kiểm tra, nên tốc độ thông quan rất nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
“Đúng là cũng không thể loại trừ các trường hợp doanh nghiệp lợi dụng luồng xanh để đưa hàng hóa không đúng quy định vào đất nước”, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, song cho biết bộ đã áp dụng khoa học công nghệ trong xác định luồng hàng, sử dụng hệ thống camera, lực lượng tình báo tài chính, phân tích dữ liệu để hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng luồng xanh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua ngành hải quan đã nỗ lực thực hiện chống buôn lậu và gian lận thương mại. “Năm qua đã bắt được trên 15.000 vụ và xử lý với giá trị khoảng 12.000 tỷ đồng, trực tiếp khởi tố 48 vụ và chuyển cơ quan điều tra gần 200 vụ”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cung cấp thông tin.
Đáng lưu ý, ĐB Lã Thanh Tân (Hải Phòng) chất vấn kết quả thanh tra về giá năm 2023: “Bộ có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả thanh tra về giá trong thời gian tới?”.
Ông cũng hỏi quan điểm của Bộ trưởng về hướng giải quyết về tình trạng “nhiều doanh nghiệp thẩm định giá từ chối thẩm định giá đấu thầu mua sắm trang thiết bị cho hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước và tính giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính đối với đất và một số mặt hàng thiết yếu do Nhà nước định giá”.
Ông Hồ Đức Phớc trả lời, vấn đề định giá được quy định cụ thể ở Luật Giá và luật chuyên ngành.
“Theo Luật Giá năm 2023, giá đất và các mặt hàng chuyên ngành được giao cho các bộ, ngành quản lý. Ví dụ, giá đất xây dựng, giá đất cũng như hướng dẫn xây dựng giá đất, kiểm tra giá đất thì do Bộ TN-MT. Hay giá thiết bị y tế, thuốc thì Bộ Y tế… Những sản phẩm do Nhà nước dùng ngân sách trung ương mua thì Bộ Tài chính phối hợp cùng với Bộ Y tế xác định giá tối đa. Còn giá cụ thể Bộ Y tế quyết định. Giá điện do Bộ Công thương quyết định… "Theo phạm vi công tác của bộ nào thì bộ đấy phải kiểm tra, xử lý, Bộ Tài chính chỉ hướng dẫn chung", người đứng đầu Bộ Tài chính giải thích.
Vẫn theo ông Hồ Đức Phớc, tình trạng “né” thẩm định giá có nhiều nguyên nhân. Có thể do công việc quá tải, có thể đơn vị thẩm định ngại rủi ro về mặt pháp lý, do năng lực kém, hoặc quy định pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, dễ xảy ra sai sót…
Chia sẻ tiếp về những lo ngại này, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, cụ thể, với xác định giá đất theo phương pháp thặng dư thì thực sự rất dễ sai sót, mà cơ quan thẩm định giá cũng phải chịu trách nhiệm. “Phương pháp thặng dư là phương pháp ước tính, giả định. Đã là giả định thì đưa ra nhiều tham số khác nhau; tham số khác nhau thì dẫn đến sai phạm”, ông Hồ Đức Phớc diễn giải.
Ví dụ, một ngôi nhà khi đưa ra thẩm định giá hình thành tài sản trong tương lai, ước tính 20 triệu đồng/m2, khi bán thực có thể 25 triệu đồng. Nếu chênh lệch đến 50 triệu đồng thì cơ quan thẩm định giá cũng chịu trách nhiệm với kết quả “sai” này…
"Rồi quá trình xác định thiệt hại trong vụ án hình sự cũng rất rủi ro", ông Phớc trần tình. Nhiều người nói xác định giá trị tại thời điểm vi phạm, có người nói khi khởi tố, người lại nói khi xét xử. Rất cần có sự thống nhất ở đây. Tất nhiên, cũng có trường hợp công ty thẩm định giá cấu kết doanh nghiệp nâng giá nên bị xử lý hình sự.
Sử dụng quyền tranh luận, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nói, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sai phạm trong thẩm định giá, nhưng nguyên nhân quan trọng là thời gian qua gia tăng quá "nóng" các doanh nghiệp thẩm định giá, vì vậy dẫn đến việc tiếp tay và sai phạm. Sau khi bị xử lý sai phạm, họ lại không dám làm nên gây ách tắc trong hoạt động của nền kinh tế.
“Trách nhiệm của bộ đến đâu trong vấn đề này, giải pháp khắc phục những hạn chế trên trong thời gian tới?”, ĐB Tạ Văn Hạ chất vấn.
Hồi đáp ĐB, Bộ trưởng Tài chính khẳng định, Bộ Tài chính không cấp phép “nóng” cho nhiều công ty thẩm định giá. Cả nước chỉ có vài trăm công ty thẩm định giá. Kiểm định viên về giá, muốn có chứng chỉ thì phải đào tạo, qua thi cử. “Trong 3 năm vừa rồi, chưa có kỳ thi nào mà số được cấp chứng chỉ vượt quá 33% số dự thi. Chúng tôi quản lý rất chặt chẽ trong cấp phép cũng như hoạt động”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói và cho rằng hầu hết sai phạm này là thuộc về hành vi của cá nhân thẩm định viên về giá.
Như vụ SCB, Bộ trưởng cho biết, có đến 3 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, là Ernst & Young Việt Nam, Deloitte Việt Nam, KPMG Việt Nam đã kiểm toán SCB, nhưng đều không chỉ ra vi phạm. Rõ ràng việc này là do kiểm toán viên, thẩm định viên chứ không phải do công tác quản lý. Dù chúng ta phải thừa nhận một số văn bản pháp luật của chúng ta vẫn còn lỗ hổng để cán bộ thẩm định giá lợi dụng.