Những đối tác chính
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm Đông Nam Á lần này của ông Austin là Singapore, tiếp đến là Việt Nam và cuối cùng là Philippines. Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington, nhận định, đây là chuyến thăm 3 đối tác chính trị và an ninh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực. Trong đó, Mỹ muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác quân sự đã kéo dài nhiều thập niên qua với Philippines nhưng đã bị xáo trộn thời gian qua.
Trong khi đó, tiến sĩ Renato de Castro, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học De La Salle, ở Manila (Philippines), nhận định đây là nỗ lực nhằm khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ tại khu vực trong bối cảnh dường như đang tồn tại một nhận thức chung trong các quốc gia thành viên ASEAN rằng Washington đã phớt lờ khu vực này, bất chấp rằng đây là một trong những khu vực được Mỹ xem là mang tính cạnh tranh chiến lược.
Cùng quan điểm trên, ông Aaron Jed Rabena, một thành viên của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Philippines, cho rằng, Đông Nam Á đang nổi lên là một khu vực trọng điểm trong cuộc tranh giành vị thế ngày một gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. “Washington hiện đang hợp tác với đồng minh và đối tác để ngăn chặn đà gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh thông qua Sáng kiến Vành đai và con đường. Đây là chỉ dấu cho thấy mong muốn của Mỹ trong việc tăng cường các liên minh và đối tác an ninh trong khu vực”, ông Rabena nói.
Nhận định trên phần nào đã được khẳng định qua chia sẻ của chính Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ trên trang Twitter cá nhân hôm 20-7, rằng: “Các liên minh và quan hệ đối tác mạnh mẽ là chìa khóa để hỗ trợ một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đó là lý do tại sao tôi đến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines”. Ông Austin cũng cho biết, theo dự kiến sẽ có một buổi nói chuyện về vấn đề này tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Singapore vào ngày 27-7.
Tiềm năng hợp tác lớn
Trang mạng Modern Diplomacy cho rằng, vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới ngày càng được củng cố, tăng cường. Điều này được thấy rõ qua Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) được ký kết đã mở cửa thị trường châu Âu cho Việt Nam. Sau khi phục hồi sau đại dịch Covid-19, Việt Nam có thể khai thác thị trường này một cách hiệu quả hơn nhờ các ưu đãi về thuế quan và các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại. Việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng đã mở ra nhiều triển vọng cho 15 nước ký kết. Việt Nam còn là thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và cũng tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Hiện Việt Nam cũng là một lựa chọn khả dĩ thay thế Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất sau đại dịch.
Washington nhận ra điều này và muốn thúc đẩy hợp tác với Hà Nội trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Động thái này của Mỹ thể hiện rõ trong thời gian qua. Năm 2020, tàu sân bay USS Roosevelt đã thăm Việt Nam và trước đó, năm 2018 là USS Carl Vinson. Mỹ cũng tán thành quan điểm của Việt Nam và ASEAN về việc xử lý các tranh chấp trên Biển Đông phải dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982; phản đối các hành động “bắt nạt” của nước lớn với nước bé trong khu vực…
Giới quan sát nhận định, những tương tác chính trị ngày càng tăng giữa Washington và Hà Nội có thể dẫn đến mối quan hệ Việt Nam - Mỹ được nâng tầm trong tương lai. Và điều này đang phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác giữa hai bên đối với nhiều vấn đề “nóng” trong cả khu vực và quốc tế.