Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Không nên cứ tập trung ăn thịt heo”

"Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, đều của người nông dân làm ra", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. Thời gian được dành cho ông là 10 phút, nhưng Bộ trưởng đã “xin thêm” 8 phút nữa.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Chiều 13-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, không chỉ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid 19, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn phải chịu nhiều tác động bất lợi khác từ các hiện tượng thời tiết cực đoan – hậu quả của biến đổi khí hậu.

“Chưa năm nào đêm 30 Tết mà Thủ đô Hà Nội có mưa tới 120-14mm, chưa bao giờ mùng 1 Tết có mưa đá ở 7 tỉnh, làm tốc mái 12.000 ngôi nhà. Từ đó đến nay đã có 117 trận lốc xoáy, mưa đá… cho thấy tính rất dị thường của thời tiết. Thêm vào đó, chưa bao giờ hạn mặn ở ĐBSCL nặng nề còn hơn cả năm 2016 - năm được coi là hạn mặn lịch sử…”, - ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.  

Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã đạt được những thành quả quan trọng, đảm bảo được lương thực, thực phẩm. Xuất khẩu gạo đạt 3 triệu tấn, giá tốt, đảm bảo để người nông dân có lãi. Vấn đề vướng mắc đáng nói nhất chỉ là giá heo vẫn còn cao.

Giải trình trước trước Quốc hội về vấn đề giá thịt lợn cao sau nhiều câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc giảm giá, theo Bộ trưởng, là chuyện không thể làm một sớm một chiều. Bởi dịch tả heo châu Phi làm tổng đàn heo thế giới giảm 12%, riêng Trung Quốc giảm tới 55%. Việt Nam cũng phải tiêu huỷ 6 triệu con heo, mất 20% tổng đàn. Chúng ta muốn phát triển các thực phẩm khác thay thế, nhưng dự kiến phải đến quý 4 năm nay đàn heo mới đạt mức như trước dịch -  khoảng 31 triệu con. Việc tái đàn phải rất thận trọng vì dịch vẫn có nguy cơ quay lại… Tuy đã áp dụng nhiều giải pháp như nhà nước hỗ trợ hộ nuôi có heo bị tiêu huỷ; yêu cầu 15 đơn vị lớn đảm bảo cung ứng giống cho dân, nhiều địa phương đã chủ động hỗ trợ tiền con giống cho các hộ chăn nuôi…, nhưng Bộ trưởng Cường thừa nhận “cung cầu vẫn chưa thể gặp nhau”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Không nên cứ tập trung ăn thịt heo” ảnh 1 Rạng sáng nay 13-6, Trại heo Đồng Hiệp (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) nhận 317 con heo giống được nhập khẩu từ Thái Lan nhằm phục vụ công tác tái đàn

Với người tiêu dùng, Bộ trưởng khuyến nghị đa dạng hoá thực phẩm: “Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt heo. Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, đều của người nông dân làm ra cả”.

Chia sẻ với những khó khăn cũng như ghi nhận nỗ lực của ngành Nông nghiệp, nhưng ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) chưa đồng tình với Bộ trưởng.

“Đồng ý là nguồn cung thiếu, nên mệnh lệnh hành chính không hiệu quả. Nhưng Bộ trưởng cần xem lại các giải pháp đã áp dụng. Các hộ chăn nuôi khi nuôi gia công cho doanh nghiệp chỉ được 4.000 đồng/kg. Trong khi giá thành thịt heo, phần lớn nhất lại là của tư thương và một số doanh nghiệp chi phối thị trường. Đó là chưa kể tình trạng nhập lậu qua đường biên”, ĐB Thái Trường Giang nói.

Nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ không khéo có thể phá vỡ cân đối vĩ mô

Tranh luận với những ý kiến đề nghị nới lỏng chính sách tài chính và tiền tệ để kích thích tăng trưởng, ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) lưu ý về khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Theo ĐB, nếu không cẩn thận thì các cân đối vĩ mô có thể bị phá vỡ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Không nên cứ tập trung ăn thịt heo” ảnh 2 ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) phát biểu tại phiên họp  

Ông Trần Anh Tuấn nhận định, vừa qua Chính phủ đã áp dụng nhiều giải pháp nới lỏng chính sách tài khoá như giãn thuế, ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỷ và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng như chiết khấu, tái chiết khấu và cấp vốn… nên thị trường lãi suất vừa qua đang được điều chỉnh theo theo hướng giảm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch, sự hấp thụ của nền kinh tế còn rất yếu, thể hiện qua những chỉ tiêu như tăng trưởng tín dụng, mở rộng sản xuất.

“Vì vậy, việc nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ cần có lộ trình phù hợp với sức hấp thụ của nền kinh tế, đảm bảo các cân đối vĩ mô, đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế”, ĐB Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đề nghị nâng cao tính thực chất của hợp tác vùng, ĐB Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang) phân tích, liên kết vùng là để phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Để các địa phương hỗ trợ nhau một cách hiệu quả, tránh tình trạng nhiều vùng hiện nay chỉ là các “câu lạc bộ vui vẻ”, ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh quy hoạch vùng, quốc gia; chỉ đạo các bộ, ban, ngành ban hành khung định hướng phát triển quốc gia để các địa phương có cơ sở khi triển khai quy hoạch tỉnh. Đồng thời, Chính phủ cũng cần đẩy nhanh tiến độ phân vùng để tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới; trong đó, nếu cần thiết có thể mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng, đảm bảo sự gắn kết với các địa phương, lan toả động lực phát triển.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) bày tỏ quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật. Chỉ rõ một số quy định pháp luật xa rời thực tế, thiếu tính khả thi như quy định phải bật đèn xe máy giữa ban ngày, ĐB  đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu thực tiễn sâu hơn, tham khảo ý kiến các đối tượng chịu tác động khi xây dựng pháp luật.

Bà cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, triển khai đúng tiến độ các dự án trên địa bàn đồng bằng Sông Cửu Long theo kế hoạch đã phê duyệt, sớm hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 120.

Tin cùng chuyên mục