Qua gần một năm công tác tại Bộ Nội vụ với cương vị Thứ trưởng (từ tháng 9-2010), tân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình (ảnh) hiểu rất rõ những thách thức đang chờ đợi ông trong nhiệm kỳ này. Phát biểu tại lễ nhận bàn giao, ông nói: “Những đặc thù trong công việc về bộ máy, con người chính là một áp lực lớn với ngành nội vụ”.
- PV: Thưa Bộ trưởng, ông có kế hoạch tập trung vào những công việc quan trọng nào trong thời gian tới, khi chính thức nhận bàn giao trách nhiệm?
Bộ trưởng NGUYỄN THÁI BÌNH: Ngành, lĩnh vực nào cũng phải đảm bảo tính kế thừa. Tiếp nhận công việc của ngành nội vụ, tôi thấy tới đây có mấy vấn đề lớn cần tập trung.
Về tổ chức bộ máy, chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Chính phủ đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 178/2007/NĐ-CP về sắp xếp các bộ, ngành. Một số bộ, ngành mang tính chất đa ngành, đa lĩnh vực, chính vì vậy, phải chú trọng xem xét, đánh giá mối quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành. Chủ trương phân cấp cần rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm.
Việc thứ hai, liên quan đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Bộ sẽ khẩn trương triển khai Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, đặc biệt xây dựng chức danh, vị trí, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ, công chức.
- Bộ trưởng vừa nhắc tới việc đánh giá chủ trương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Vừa qua có một số ý kiến khác nhau về hiệu quả của chủ trương này. Phân cấp cũng vậy, thậm chí nhiều bộ trưởng cho rằng, do phân cấp hơi… quá đà trong một số lĩnh vực như quyết định đầu tư công, cấp phép khai thác khoáng sản… đã dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung, ảnh hưởng cân đối ngân sách. Ông có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?
Tinh thần của Nghị định 178 là một việc giao cho một cơ quan chủ trì chuyên sâu, đồng thời có cơ chế phối hợp, phân cấp, như vậy sẽ giảm bớt đầu mối. Nhưng đúng là cũng có một số vấn đề phải đặt ra. Sắp tới đây sẽ sơ kết đánh giá tương đối toàn diện việc thực hiện Nghị định 178. Điểm nào thấy phù hợp, khả thi và góp phần thúc đẩy phát triển thì nhân rộng. Cái nào chưa phù hợp phải chấn chỉnh, theo một lộ trình, bước đi thích hợp. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu để Chính phủ điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ. Tôi hiểu đây là vấn đề được dư luận quan tâm, trong các phiên chất vấn tại Quốc hội nhiều năm qua, cũng có nhiều ĐBQH đặt câu hỏi.
- Thưa Bộ trưởng, về nhiệm vụ cải cách đội ngũ cán bộ, công chức, Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào?
Đội ngũ cán bộ công chức đóng vai trò quan trọng đặc biệt, chúng ta phải quan tâm cả trước mắt và lâu dài. Hướng chung là trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, song song với cơ chế nắm tình hình, phát hiện, bồi dưỡng, đề bạt, cất nhắc; cũng cần có cơ chế giám sát, kiểm tra để xử lý nghiêm minh. Trong đó, vai trò giám sát của tổ chức, doanh nghiệp, người dân đối với đạo đức, chất lượng làm việc của công chức, viên chức là rất lớn, phải được phát huy bằng nhiều cách. Phải công nhận vừa qua việc quản lý cán bộ, công chức của ta còn hạn chế. Chủ trương xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ công chức để tiện theo dõi, quản lý vẫn chưa thực hiện được…
Anh Thư