Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan: Cần xem lại không gian sống của bà con

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, để phòng chống thiên tai căn cơ, lâu dài, sắp tới sẽ trình Chính phủ cụ thể hóa Chiến lược phòng chống thiên tai trong 5-10 năm, xem xét lại quy hoạch không gian sống của bà con ở những khu vực dễ xảy ra thiên tai, mưa lũ...  

Theo dự báo, trong năm 2021, tại khu vực miền núi phía Bắc, mưa lớn sẽ tập trung vào tháng 6 đến 9 với khả năng xảy ra mưa lớn cục bộ thời đoạn ngắn. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong khu vực, có khả năng xuất hiện sớm tại khu vực Tây Bắc và Việt Bắc. Từ tháng 4 đến 7 còn có khả năng xảy ra dông mạnh kèm theo lốc, sét và mưa đá tại các địa phương. 

Vì vậy, sáng nay 27-4, tại tỉnh Phú Thọ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì hội nghị phòng chống thiên tai ở miền núi phía Bắc. 

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong năm 2020, có tới 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 40.000 tỷ đồng do thiên tai gây ra ở nước ta. Dự báo năm nay, tình hình thiên tai còn tiếp tục diễn biến khốc liệt. 

Một trận lũ lớn do mưa thổi bùn đất vào một trường học ở TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái hồi tháng 8-2020, học sinh phải nghỉ học để nhà trường dọn dẹp bùn đất sau cơn lũ

Theo các chuyên gia, cùng với diễn biến cực đoan trong những năm gần đây, các địa phương cần đề phòng tình huống mưa lớn dị thường như tại Quảng Ninh vào năm 2015 với lượng mưa gần 1.600mm; mưa tại lòng hồ Hòa Bình vào tháng 10-2017; lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại huyện Mường La (Sơn La), Mù Căng Chải (Yên Bái) và Tân Lạc (Hòa Bình) vào năm 2017; tại huyện Mường Lát và Quan Sơn của tỉnh Thanh Hóa vào các năm 2018 và 2019…

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn không chỉ dừng ở “lời nói”. Cần nhận định rõ các tồn tại và hạn chế về nhận thức; kỹ năng phòng chống thiên tai của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; tình trạng dân số gia tăng, thiếu nơi ở, nơi sản xuất an toàn; thói quen và tập tục sinh sống của đồng bào ở vùng cao, ven sông suối, trên đất dốc… những nơi dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, khi thiên tai xảy ra, các ban ngành, địa phương cùng tập trung ứng phó. Song, khi thiên tai qua đi thì lại quên việc phòng ngừa. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị ngày 27-4

Theo ông Lê Minh Hoan, phòng ngừa ở đây không chỉ trong một vài năm mà phải theo giai đoạn 5 đến 10 năm với những giải pháp căn cơ. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn trên nền tảng công nghệ mới như: công nghệ viễn thám, dự báo để chúng ta có tầm nhìn xa. Nếu chúng ta có tầm nhìn xa thì sẽ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo ông Lê Minh Hoan: “Không thể vì lợi ích trước mắt mà để tổn hại về sau không có gì bù lại được. Đây cũng là việc cấp bách để thực hiện thông điệp của Đảng và Nhà nước rằng không đánh đổi môi trường cho sự phát triển”.


Tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ tham mưu cho Chính phủ để cụ thể hóa Chiến lược phòng chống thiên tai trong 5 năm, 10 năm tới, đánh giá mức độ rủi ro, cơ sở hạ tầng, phương tiện ứng phó kịp thời để giảm thiệt hại về người và của cho người dân.

Ông Lê Minh Hoan cho rằng: “Đặc biệt, phải xem xét lại quy hoạch không gian sống cho bà con dân tộc”. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, hiện nay, nhiều nơi bà con vẫn sinh sống theo tập quán ở ven sông suối, những chỗ rất nhạy cảm khi có biến động về thời tiết, trở thành những nơi xung yếu, nguy hiểm nhất. 

Nhấn mạnh rằng vấn đề này không thể thực hiện trong thời gian ngắn, song Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị cần sớm xem lại quy hoạch không gian sống và sản xuất của người dân là hướng căn cơ, lâu dài để ứng phó thiên tai.

Tin cùng chuyên mục