ĐB Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) phản ánh, việc triển khai các gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 còn chậm do tiêu chuẩn còn quá cao, chưa sát với thực tiễn, chưa phù hợp với điều kiện và nhu cầu của doanh nghiệp, quy trình còn phức tạp… Tính công khai, minh bạch đôi khi chưa đàm bảo, các thông tin và biểu mẫu chưa tốt, các địa phương còn máy móc, cứng nhắc khi giải quyết thủ tục hỗ trợ.
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH cho biết, trong đợt dịch lần thứ 4, trực tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ khẩn trương xây dựng các chính sách.
“Đây là chính sách chưa từng có tiền lệ, nhiều nội dung vượt thẩm quyền của Chính phủ. Do vậy, nhóm liên ngành đã phải làm ngày, làm đêm, cả thứ 7 và Chủ nhật.”, Bộ trưởng chia sẻ.
Theo người đứng đầu ngành LĐTB-XH, Bộ đã triển khai rất nhanh các chính sách, chỉ trừ những nội dung vượt thẩm quyền của Chính phủ thì để lại, những nội dung trong thẩm quyền đều đã báo cáo để điều chỉnh ngay.
"Tất cả những thủ tục, quy định trong Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đã ở mức thông thoáng nhất có thể." - Bộ trưởng khẳng định.
Đơn cử Nghị quyết 116 không “bắt” người lao động không phải kê khai bất kỳ nội dung gì, tự động bảo hiểm xã hội sẽ chuyển tiền hỗ trợ vào tài khoản. Do vậy, chỉ trong 5 ngày, hơn 363.000 doanh nghiệp đã được hưởng hỗ trợ.
Cũng liên quan đến việc triển khai hỗ trợ, ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng thông tin về công tác quản lý, kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm, vì theo ông, có “dư luận bất bình về việc trục lợi chính sách hỗ trợ”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các quy định về vấn đề này đều đã phân công rõ trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức, địa phương của các ngành có liên quan. Như, đối với chính sách cho vay đối với người lao động là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đối với gói hỗ trợ tiền mặt thì trách nhiệm chính là Bộ LĐTB-XH.
Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ LĐTB-XH phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức 12 đoàn đi kiểm tra ở 33 tỉnh, thành phố.
“Kết quả cho đến nay, nếu hỏi có trục lợi không?, chúng tôi trả lời có. Ở gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42, phát hiện và xử lý 4 trường hợp ở 4 địa phương, trong đó có những địa phương phải cách chức cả bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch mặt trận vì để người nhà trong danh sách hộ nghèo, trong danh sách hưởng chính sách”, Bộ trưởng nêu rõ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, về cơ bản các địa phương đã đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.