Chiều 30-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trao đổi với đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, đây là nhiệm kỳ thứ 2 triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, khác với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này, các công việc đòi hỏi cao hơn.
“Trước đây đã khó, bây giờ khó hơn vì không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà đòi hỏi giảm nghèo cả các chiều thiếu hụt; không chỉ giảm nghèo đơn thuần mà yêu cầu đa chiều, bao trùm, toàn diện và bền vững”, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH nhìn nhận.
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC |
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH, 2 năm qua, khi thực hiện chương trình này đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ khách quan, đặc biệt do tác động của dịch Covid-19, thiên tai, lũ bão…; do đó, đã khó khăn càng khó khăn hơn, đã nghèo càng bị tác động nhiều hơn.
Hiện nay, khi thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đang tập trung vào lõi nghèo, vùng khó khăn nhất là vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Kết quả thực hiện, Bộ trưởng nhìn nhận còn nhiều hạn chế, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo, chất lượng giảm nghèo, tính bền vững giảm nghèo… chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, những kết quả đạt được là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các địa phương và sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo, cận nghèo là đáng ghi nhận.
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH đánh giá, những kết quả đạt được đến giờ này được cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là một điểm sáng trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. “Chúng ta là nước duy nhất ở châu Á triển khai chương trình giảm nghèo bền vững, đa chiều, bao trùm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, chiều 30-10. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đề cập đến sự ỷ lại khi có những chính sách “cho không” trong chương trình giảm nghèo, Bộ trưởng cho rằng, không ai sinh ra, lớn lên lại muốn mình nghèo và không ai muốn không thoát nghèo. Nhưng, chỉ vì chưa có khả năng thoát nghèo và nếu còn trong danh sách hộ nghèo thì ít nhất cũng được hưởng chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian vừa qua, chương trình giảm nghèo không còn chính sách “cho không” mà đã chuyển hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện, kể cả sản xuất, hỗ trợ nhà ở, sinh kế và đào tạo nghề, giải quyết việc làm…
Bộ trưởng nói thêm, gần đây có nhiều địa phương có hàng trăm hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin ra khỏi thoát nghèo, nhường quyền lợi hưởng chính sách hỗ trợ nghèo cho người khác.
“Khi chúng tôi tiếp xúc, bản thân người dân cũng chia sẻ rất e ngại, băn khoăn khi nhận là hộ nghèo, tự mình phải vươn lên”, Bộ trưởng nói và cho rằng cần phải biểu dương những trường hợp này khi có ý thức vươn lên thoát nghèo.
Về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, Bộ trưởng cho biết, trong nhiệm kỳ này, phấn đấu xóa khoảng 100.000 căn nhà dột nát ở 74 huyện nghèo, với kinh phí khoảng 4.000 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn Trung ương, các địa phương đối ứng 10%-30% nguồn vốn… để mỗi căn nhà xây mới cho hộ nghèo khoảng 70 triệu đồng, sửa chữa khoảng 30 triệu đồng.
Vì sao phải ban hành cả "rừng" văn bản?
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH chỉ ra, khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gặp vướng vì có quá nhiều văn bản pháp luật. Bình quân 1 chương trình có đến 60-70 văn bản pháp luật khác nhau quy định. Trong "rừng" văn bản đó, "cơ quan chuyên trách của chúng tôi rất vất vả vì theo quy định pháp luật phải ban hành”, Bộ trưởng nói.
Nói về phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng nhìn nhận, thời gian qua, việc này là chưa rõ ràng. “Tôi nói thật là chưa đến nơi đến chốn. Dưới thì chờ trên, trên thì bảo dưới cứ làm đi nhưng dưới sợ. Cho nên dẫn đến hiện tượng các thông tư của bộ hướng dẫn rồi nhưng cấp dưới lại đề nghị tiếp hướng dẫn của hướng dẫn. Chúng tôi kiểm tra lại xem hay là mình hướng dẫn không đến nơi đến chốn, chưa rõ những không phải thế”, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH nêu.
Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường, chiều 30-10. Ảnh: QUANG PHÚC |
Nói về phân bổ vốn dự án, Bộ trưởng cũng nhìn nhận phân bổ vốn cho các dự án nhỏ lẻ, manh mún quá nhiều. Riêng chương trình giảm nghèo có trên 1.000 dự án nhỏ khác nhau. Các dự án nhỏ này, Trung ương lại giao vốn chi tiết đến từng dự án nên việc triển khai chậm, khó khăn. Khi phát hiện ra những điều không phù hợp rồi thì các địa phương cũng không thể tự điều chỉnh mà phải báo cáo lên cấp trên có thẩm quyền.
“Mục tiêu đặt ra cao, vốn ít, trong khi đó yêu cầu địa phương đối ứng vốn thì lại càng khó khăn hơn. Việc giao vốn chậm, nhỏ giọt về địa phương tiếp tục bị chậm”, Bộ trưởng chỉ ra và thừa nhận khâu tổ chức thực hiện cũng còn nhiều vấn đề.
Để triển khai các chương trình nhanh hơn, hiệu quả hơn, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội 7 cơ chế, chính sách đặc thù. Dù vậy, trước mắt, Bộ trưởng đề nghị, Quốc hội cho phép thí điểm trao quyền trọn gói cho các địa phương được chủ động quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ các chương trình và giữa các chương trình mục tiêu quốc gia.