Trong thư đề ngày 17-11, ông Đào Ngọc Dung cho biết, năm học vừa qua, trước những tác động của đại dịch Covid-19, các thầy cô giáo đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chủ động, sáng tạo triển khai đổi mới mô hình và phương pháp dạy và học, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, gắn tuyển sinh với nhu cầu của thị trường lao động, tạo sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức xã hội việc lựa chọn học nghề để lập thân, lập nghiệp.
Năm 2021 là năm đầu tiên cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó giáo dục nghề nghiệp được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước.
Theo ông Đào Ngọc Dung, nhân ngày “Kỹ năng lao động Việt Nam” 4-10 năm nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư kêu gọi nâng tầm kỹ năng lao động, trong đó nhấn mạnh “lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, lúc này chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để cùng chung tay vượt qua đại dịch, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, bởi hiện nay 65% lực lượng lao động của Việt Nam dù đã qua đào tạo, nhưng mới có 24,5% có chứng chỉ bằng cấp, so với mặt bằng chung trong khối ASEAN còn rất thấp.
Trước tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nếu lao động không tự nâng cao tay nghề sẽ khó đáp ứng yêu cầu khi doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Thời gian tới, các trường cao đẳng, đại học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục bám sát thị trường, bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người học, đặc biệt là đối với công nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các nhà giáo trong lĩnh vực dạy nghề chú trọng đổi mới phương pháp đào tạo, giảm thời gian dạy lý thuyết, tăng thảo luận, thực hành, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng nghề, thích ứng trước một thế giới việc làm đang thay đổi.