Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: Sẽ “một cửa” cho nhà đầu tư

Chiều 6-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã giải trình trước Quốc hội về nhiều vấn đề mà đại biểu Quốc hội (ĐB) quan tâm.

Về Luật Đấu thầu, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng ý với các ĐB là phải nghiên cứu, mở rộng đối tượng được chỉ định thầu. Cùng với đó, phải nâng cao các hạn mức, các gói thầu được chỉ định, không để 200 triệu đồng hay 300 triệu đồng mà nghiên cứu có thể nâng lên nữa để đảm bảo tính ổn định lâu dài, tránh việc vừa sửa xong luật lại bất cập, sửa tiếp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Riêng về đấu thầu thuốc, Bộ trưởng cũng đồng tình với các ĐB là nên để cho các nhà thuốc tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm; nếu họ có hành vi sai trái, thông đồng hay đẩy giá thì có pháp luật xử lý; đấu thầu hay không, mua sắm trực tiếp hay mua sắm thế nào là do họ lựa chọn.

Giải trình về Luật PPP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chúng ta quay lại BT bằng đất và BT bằng tiền (trước đây đã thực hiện BT nhưng sau đó dừng, hiện 3 tỉnh thành thực hiện thí điểm là TPHCM, Hà Nội, Nghệ An). Với đề nghị của nhiều địa phương, Chính phủ đề xuất khôi phục lại nhưng với một phương thức quản lý mới, chặt chẽ hơn để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và nhà đầu tư không bị thất thoát, minh bạch. Theo đó, phải xác định giá đất đai, phải đấu thầu, cho cơ chế thanh toán bù trừ ngang giá; sau này nếu giá đất lên thì định giá lại, mà nếu thiếu thì nhà đầu tư phải bỏ tiền ra đóng đủ bằng giá đất thực tế ở thời điểm đó, nếu thấp hơn thì nhà nước trả lại bằng tiền cho nhà đầu tư.

Về BT chuyển tiếp, Bộ trưởng cho biết, đây là một vấn đề rất phức tạp. Sơ bộ có 160 dự án với khoảng 59.000 tỷ đồng, thực tế còn nhiều ở các địa phương. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo, sẽ rà soát trên cả nước, phân loại thành các nhóm với các vi phạm khác nhau và có hướng xử lý cho từng nhóm. Nếu giải quyết được vấn đề này, chúng ta sẽ khơi thông được nguồn lực rất lớn cho đầu tư phát triển, đóng góp ngay cho thu ngân sách và cho tăng trưởng kinh tế, giúp được rất nhiều doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm.

Đối với Luật Quy hoạch, các ĐB nói nhiều đến vấn đề điều chỉnh cục bộ theo quy trình rút gọn. Theo Bộ trưởng, đề nghị bổ sung điều chỉnh thủ tục rút gọn đã được đánh giá hết sức kỹ lưỡng nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn được thời gian. Theo tính toán, sẽ rút ngắn được khoảng 300 ngày, đây là một thời gian rất đáng kể đối với các công trình hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển cho đất nước trong tình hình mới.

Việc điều chỉnh quy hoạch vẫn phải đảm bảo được nguyên tắc không làm thay đổi các mục tiêu và định hướng ở trong quy hoạch đã đề ra, đảm bảo tính đồng bộ, tính kế thừa và tính hệ thống trong quy hoạch các cấp của chúng ta. Đồng thời, xác định được rõ các trường hợp được điều chỉnh, đáp ứng được kịp thời các yêu cầu phát triển.

1.jpg
Quốc hội chiều 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Đối với Luật Đầu tư, Bộ trưởng nhấn mạnh nội dung quan trọng là lần này thiết kế “luồng xanh”, chương trình đặc biệt. Thực tiễn cho thấy, hiện nay cạnh tranh rất quyết liệt trong thu hút vốn đầu tư. Trung Quốc xây dựng một nhà máy ô tô hàng tỷ USD chỉ có 11 tháng, làm một trung tâm thương mại hàng trăm triệu USD chỉ 68 ngày. Dubai xây dựng một thành phố 600 ha, 500 tòa nhà, 20 tỷ USD làm đúng 5 năm.

“Tại sao người ta lại làm được như vậy? Ở Dubai, cả một dự án như vậy không sai một ngày. “Thủ tướng Dubai chỉ duyệt nhiệm vụ thiết kế có hai điều (chúng ta cả nghiên cứu phải mất hàng năm mới ra được nhiệm vụ thiết kế): không nhà nào giống nhà nào; từ điểm này đến điểm kia không phải là một đường thẳng”, Bộ trưởng chia sẻ.

Ngoài yêu cầu thiết kế ra, các yêu cầu kết cấu, mật độ, môi trường đều phải theo quy định, không cần phải xin phép ai, không cần bàn gì. “Sau đó, người ta làm xong thiết kế, làm các sa bàn, các mô hình, lãnh đạo chỉ duyệt đúng 2 tiếng đồng hồ là xong. Tức là họ đã biết cần quản lý gì, quản lý bằng công cụ nào, phương thức nào. Đó chính là hậu kiểm, chính là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn để thực hiện và không cần phải xin phép trước, tôi đăng ký làm và sai thì chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng chia sẻ.

Từ kinh nghiệm đó, Bộ trưởng nhấn mạnh chúng ta phải ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, sau đó để cho các nhà đầu tư tự do thực hiện thì sẽ thuận lợi, rút ngắn được thời gian và hấp dẫn được đầu tư.

Xuất phát từ quan điểm đó, Bộ KH-ĐT đã thiết kế quy định: đối với những dự án công nghệ cao nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thì được phép đăng ký đầu tư, không phải cấp giấy chứng nhận đầu tư, chỉ cần đăng ký đầu tư và trong 15 ngày phải cấp cho nhà đầu tư. Sau đó, nhà đầu tư cam kết thực hiện các vấn đề về xây dựng, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy và chữa cháy theo quy định. Sau này nếu có vi phạm, cơ quan quản lý hậu kiểm thì nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm.

“Lần này sẽ làm mạnh như thế và chúng tôi còn muốn mạnh nữa. Chúng ta còn muốn là một cửa để thuận lợi cho nhà đầu tư và sát thực tiễn hơn, nhà đầu tư không phải lên bộ này, ngành kia, không phải lên sở mà ban quản lý ngay tại chỗ. Đây là việc lâu dài, chúng tôi muốn tổng kết, đánh giá và muốn nhân rộng mạnh hơn mô hình 1 cửa này”, Bộ trưởng cho biết.

Tin cùng chuyên mục