Theo người đứng đầu ngành KH-ĐT, cơ cấu lại nền kinh tế không phải là vấn đề mới mà đã thực hiện 10 năm rồi, vấn đề là đã làm được gì? chưa làm được gì? và thời gian tới cần thực hiện thế nào cho phù hợp với tình hình, bối cảnh mới?.
“Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm, trong đó đặt ra nhiều mục tiêu, khát vọng lớn phải đạt được. Trong khi đó, tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, bất định, cộng với tác động của đại dịch và sức ép từ hội nhập quốc tế… Do đó, thúc đẩy nhanh hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế là nhiệm vụ cấp bách, nếu trì hoãn sẽ đối mặt với với hàng loạt thách thức”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ KT-ĐT cũng phân tích, nội hàm và bản chất của cơ cấu lại nền kinh tế là phân bổ lại nguồn lực cho phát triển trên phạm vi quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinnh tế. Thay đổi hệ thống thể chế, chính sách, điều chỉnh trong chỉ đạo điều hành phù hợp tình hình mới, không chỉ tập trung các ngành, không gian kinh tế mà còn quan tâm lĩnh vực quan trọng, tiềm năng lợi thế, dư địa mới để hình thành ngành mũi nhọn mang tính lan toả vững chắc, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
“Các bộ, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để quyết tâm thực hiện, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ, chống cát cứ, tính đến lợi ích tổng thể, liên vùng, liên ngành. Nếu chia cắt, phân khúc sẽ khó đem lại hiệu quả chung của nền kinh tế” – Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh. |