Theo Bộ trưởng, điều rất đáng lo ngại hiện nay là tâm lý không lạc quan của thị trường, niềm tin xã hội và tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ thực thi các cấp hiện nay. “Tôi cho rằng có lẽ vấn đề lớn nhất hiện nay là cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy và lẩn tránh không làm, đấy là vấn đề lớn nhất”, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Quang cảnh phiên họp |
Chia sẻ với những thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối diện, người đứng đầu ngành KH-ĐT ghi nhận: “Về dòng tiền, điều hành tín dụng của chúng ta là có vấn đề, lúc thì thả ra nhanh quá, lúc thì lại siết lại quá, nên các doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp lớn chúng tôi biết đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được là đã bán, có trường hợp bán có 50% giá thực”.
Bộ trưởng cho biết ông rất lo ngại về nguy cơ doanh nghiệp bị nước ngoài thâu tóm, nhất là đối với những doanh nghiệp lớn.
Vấn đề thứ 2 của doanh nghiệp, tức là các thủ tục đầu tư hiện nay phải mất khoảng 2 năm mới giải quyết được 1 vấn đề, có thủ tục mất 1 năm.
Thứ 3, tiến độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang chùng lại. Chuỗi Nghị quyết 02 của Chính phủ (trước là Nghị quyết 19, về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh), năm vừa qua được nhập vào Nghị quyết 01 có phần bị mờ nhạt.
“Chúng ta đã đấu tranh suốt mấy năm nay, thể chế đã cải thiện, cải tiến rất nhiều để giảm các điều kiện kinh doanh và các loại kinh doanh có điều kiện, nhưng bây giờ, thông qua các văn bản của các bộ, ngành, các địa phương, đã phát sinh ra hàng ngàn thủ tục mới”, Bộ trưởng Dũng lo lắng.
Đại biểu dự họp |
Thẳng thắn nhìn nhận mục tiêu năm 2023 tăng trưởng GDP 6,5% là khó đạt được, vì muốn đạt được 6,5% thì các quý sau tăng trưởng phải rất cao, xấp xỉ khoảng 8%, song Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đang cố gắng phấn đấu giữ mục tiêu này với hy vọng tình hình thế giới, trong nước có chuyển biến tốt.
Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên UBTVQH, Bộ trưởng cho biết sẽ rà soát và hoàn chỉnh lại báo cáo một cách sâu sắc hơn, đánh giá đúng tình hình hơn, khách quan hơn.