Chiều 25-5, được mời phát biểu trước khi Quốc hội khép lại phiên giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói cần tính lại phương thức hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả cao hơn.
Bộ trưởng cung cấp thông tin, nhiều nước hỗ trợ ngay bằng tiền mặt, trả thẳng cho người dân. Số tiền này sẽ sớm chảy vào nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng.
“Chúng ta lại tiếp cận qua chính sách, mà chính sách thì phải có văn bản hướng dẫn rồi lại giám sát, quy trình, lại phải thủ tục, mất rất nhiều thì giờ. Khi chúng ta làm xong thủ tục thì vấn đề có khi không còn thời sự nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, với khung thời gian như của chương trình thì không nên đưa các dự án lớn vào, nếu không thì phải cho kéo dài thời gian thực hiện, tránh tình trạng hết thời gian mà chưa xong thủ tục.
Một nguyên tắc xuyên suốt, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là các chính sách phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thống nhất, dễ làm, thực hiện và giám sát. Bộ trưởng thẳng thắn nêu rõ: “Việc hoàn thiện thể chế phải căn cơ, đồng bộ, thống nhất, chứ không phải để một rừng các vướng mắc như hiện nay".
“Sáng nay có nhiều đại biểu nói rất thấm thía, đã là đặc biệt thì phải có chính sách đặc biệt, thủ tục đặc biệt, quy trình đặc biệt. Cái gì cũng phải xin cơ chế thì không đủ thời gian”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, việc xây dựng chính sách pháp luật phải dựa trên niềm tin giữa trung ương, địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới; phân cấp, phân quyền phải triệt để, kể cả giữa trung ương và địa phương, giữa Quốc hội và Chính phủ.
"Hoàn thiện thể chế phải căn cơ, đồng bộ, không tạo ra một rừng vướng mắc"
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng
“Tôi nói ngay một ví dụ, tất cả danh mục trong chương trình phục hồi chúng ta trình Quốc hội thông qua làm bao nhiêu vòng rất kỹ rồi, nhưng Quốc hội chỉ duyệt danh mục, xong rồi lại giao cho Chính phủ quy định chi tiết và chịu trách nhiệm, báo cáo lại Quốc hội. Bây giờ, Quốc hội vẫn quy định mỗi một lần xong thủ tục lại phải trình lại Quốc hội; giữa 2 kỳ họp thì phải báo cáo UBTVQH. Do đó, chúng tôi phải trình lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian. Tôi cho là không cần thiết”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu bật trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức xây dựng chương trình, thực hiện và phối hợp với nhau. Về phần mình, Bộ KH-ĐT đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật PPP để đáp ứng yêu cầu rút ngắn thời gian thực hiện dự án.