Là người làm công tác quản lý khoa học và công nghệ (KH-CN) nhiều năm và từng giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ KH-CN, trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân (ảnh) cho biết, thời gian tới sẽ 4 có nhóm mục tiêu và nhiệm vụ được ưu tiên để phát triển KH-CN quốc gia:
Thứ nhất là tổ chức thực hiện tốt các chương trình quốc gia về KH-CN đã được Thủ tướng phê duyệt.
Thứ hai, triển khai ngay phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ KH-CN giai đoạn 2011-2015.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị định 115 về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH-CN công lập và Nghị định 80 về doanh nghiệp KH-CN.
Thứ tư, xây dựng bằng được đề án đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động KH-CN, để tăng cường nguồn đầu tư của xã hội cho KH-CN.
- PV: Một trong 3 khâu đột phá chiến lược vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra là “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn kết với phát triển và ứng dụng KH-CN”. Quan điểm của bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng NGUYỄN QUÂN: Đây là một định hướng rất đúng, bởi việc phát triển nguồn nhân lực phải gắn liền với việc phát triển và ứng dụng KH-CN. Cùng với GD-ĐT, KH-CN là quốc sách hàng đầu và KH-CN là thành tố quan trọng để tạo tiền đề và nền tảng cho việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Theo tôi, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho KH-CN, Nhà nước cần tạo cơ chế cho các nhà khoa học, ngoài tiền lương tối thiểu bảo đảm còn có những thu nhập chính đáng từ việc chuyển giao kết quả nghiên cứu, chuyển giao tài sản trí tuệ của mình cho sản xuất và kinh doanh. Cần tạo cơ chế để các doanh nghiệp phải tìm đến và dựa vào các trường đại học, viện nghiên cứu đặt hàng tìm giải pháp phát triển các công nghệ mới, nâng cao sức cạnh tranh...
- Bộ trưởng đã từng nói sẽ cố gắng để làm sao các nhà khoa học có thể yên tâm sống bằng nghề của mình. Đâu là giải pháp khả thi?
Để làm được điều đó, cần phải tiếp tục đổi mới toàn diện cơ chế quản lý và hoạt động KH-CN. Trước mắt sẽ có 3 nhóm giải pháp cho vấn đề này. Thứ nhất là tăng việc đầu tư cho KH-CN. Hiện nay ngân sách Nhà nước đã đảm bảo 2% tổng chi ngân sách hàng năm, nhưng sự đầu tư của xã hội, nhất là ở khối doanh nghiệp còn rất thấp. Thứ hai là tháo gỡ những khó khăn về cơ chế tài chính trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước. Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc giao và thẩm định kinh phí đề tài KH-CN; tăng tỷ lệ đặt hàng trong các đề tài ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương... Thứ ba là phải có chính sách trọng dụng, ưu đãi cán bộ KH-CN, nhất là những người giỏi. Đi đôi với việc đó, họ phải cam kết là đến thời hạn, phải có sản phẩm KH-CN đạt yêu cầu như cam kết khi Nhà nước đặt hàng hay giao nhiệm vụ.
- Bộ trưởng đánh giá như thế nào về hoạt động của doanh nghiệp KH-CN ở Việt Nam hiện nay?
Hiện nay khái niệm doanh nghiệp KH-CN chưa được giới quản lý quan tâm nhiều lắm, chủ yếu sự quan tâm là từ giới khoa học. Chính phủ đã có quy định về vấn đề này, trong đó có khá nhiều ưu đãi, kể cả về thuế cũng như cơ chế nếu doanh nghiệp đó đúng là doanh nghiệp KH-CN, như: được giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, hoặc quyền sử dụng để chuyển giao, góp vốn; 70% doanh thu của doanh nghiệp là từ việc ứng dụng, triển khai các kết quả nghiên cứu đó. Hiện nay ở nước ta đã có hơn 1.000 doanh nghiệp KH-CN nhưng hầu hết đều ở quy mô nhỏ. Ở Việt Nam trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng của hầu hết các doanh nghiệp KH-CN đạt tới 20%/năm. Chính vì vậy, Chính phủ cũng như Bộ KH-CN sẽ tìm các biện pháp để thúc đẩy sự hình thành và hoạt động của hệ thống doanh nghiệp KH-CN, xem đó là khâu đột phá để đổi mới công nghệ, ứng dụng, phát triển KH-CN phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tới.
Trần Lưu (thực hiện)