Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng: Cần cơ chế đặc thù cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Để dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam triển khai hoàn thành sớm, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, lần đầu tiên, Việt Nam triển khai một dự án rất lớn thế này cho nên rất cần các cơ chế, chính sách đặc thù để rút ngắn thời gian triển khai, hoàn thành dự án.

Chiều 20-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.

Nghiên cứu tuyến đường sắt nhẹ kết nối từ ga Thủ Thiêm đến ga Long Thành

Giải trình một số ý kiến về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, giai đoạn 1 có vốn đầu tư là 109.000 tỷ đồng, trong đó dự án thành phần 3 do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư có tổng vốn là hơn 99.000 tỷ đồng (tương đương 4,23 tỷ USD). Đến thời điểm hiện nay, dự án thành phần 3 còn dư khoảng 3.900 tỷ đồng.

0be471e2770ccc52951d.jpg
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, các công trình đang và sẽ triển khai của dự án thành phần 3 được phân bổ dự phòng phù hợp nên việc sử dụng khoảng 3.304/3.900 tỷ đồng vẫn là tiết kiệm để đầu tư cho dự án thành phần này và không ảnh hưởng đến các dự án khác và không làm phát sinh thêm chi phí dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Về nguồn vốn hiện nay, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện nay, ACV đã huy động đủ 4,23 tỷ USD để đầu tư. Trong đó, vốn tự có của ACV khoảng 2,43 tỷ USD và vay là 1,8 tỷ USD.

ede834dc3232896cd023.jpg
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng giải trình trước Quốc hội chiều 20-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Về tuyến giao thông kết giữa TPHCM với sân bay quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, trong quá trình chuẩn bị đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ GTVT đã hoạch định và đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông kết nối trung tâm TPHCM và các vùng lân cận với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trong đó, đang mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây từ 4 làn đường lên 8 làn đường. Dự kiến mở rộng cao tốc này sẽ hoàn thành vào năm 2027. Cùng với đó, dự kiến hoàn thành tuyến đường Vành đai 3 TPHCM vào năm 2026. Tuyến này giúp kết nối TPHCM đến sân bay Long Thành.

Bên cạnh đó là hoàn thành tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành vào năm 2025. Tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giúp kết nối tuyến đường khu vực phía Bắc của TPHCM.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, tuyến đường sắt kết nối có 3 tuyến, trong đó tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam từ ga Thủ Thiêm đến ga Long Thành.

Hiện nay, Bộ GTVT đang hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt nhẹ kết nối từ ga Thủ Thiêm (TPHCM) đến ga Long Thành (Đồng Nai) để kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, quy hoạch tuyến đường sắt kết nối từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến ga Thủ Thiêm.

Trước đó, thảo luận về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ GTVT, ACV, các nhà thầu và người lao động đã tích cực thi công ngày đêm trên công trường để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

17b30e8edb63603d3972.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm đồng ý việc bổ sung đầu tư tuyến đường cất hạ cánh số 3 hướng Bắc vào giai đoạn 1 và kéo dài thời gian hoàn thành giai đoạn 1 đến cuối năm 2026; cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh giai đoạn 1.

Chính phủ đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam theo hình thức đầu tư công

Giải trình một số ý kiến về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, tuyến đường sắt tốc độ cao này có phạm vi từ ga Ngọc Hồi (TP Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TPHCM), còn tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, TPHCM - Cần Thơ đã có 2 dự án riêng, đang triển khai rất quyết liệt.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, cả 2 dự án này sẽ làm đường sắt đủ tiêu chuẩn, đó là phối hợp chở cả người và hàng hóa với tốc độ thiết kế chở người 160-200km/giờ, chở hàng hóa là 100-120km/giờ. Các tuyến này nhu cầu hàng hóa rất cao. Hiện nay, dự án TPHCM - Cần Thơ đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

f222f45ef2b049ee10a1.jpg
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng giải trình. Ảnh: QUANG PHÚC

Về công nghệ, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, Chính phủ đã lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả phù hợp với xu thế của thế giới, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và đã có tổng hợp kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao của các nước trên thế giới.

Trước ý kiến về phương thức đầu tư dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế từ 27 dự án đầu tư cho thấy, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là không khả thi.

Nhiều nước đầu tư đường sắt tốc độ cao theo phương thức này đã không thành công, phải quốc hữu hóa và nâng mức hỗ trợ của nhà nước cho các dự án đầu tư theo phương thức PPP.

Do đó, Chính phủ đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam theo hình thức đầu tư công.

d57a5c615a8fe1d1b89e.jpg
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng giải trình trước Quốc hội về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: QUANG PHÚC

Về hiệu quả kinh tế, Bộ trưởng cũng cho biết dự án này nếu đi vào vận hành sẽ mang lại 7 lợi ích lớn cho kinh tế - xã hội của đất nước.

Trao đổi về hiệu quả tài chính, Bộ trưởng cho biết, trong 4 năm đầu vận hành khai thác thì doanh thu chỉ bù chi phí vận hành, bảo trì phương tiện. Nhà nước phải hỗ trợ một phần kinh phí để bảo trì kết cấu hạ tầng của dự án. Theo tính toán, cần tối đa 33,61 năm mới hoàn vốn đầu tư dự án.

Về nguồn vốn ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cần bố trí vốn trong 12 năm và mỗi năm bố trí khoảng 5,6 tỷ USD, để đầu tư dự án hoàn thành vào năm 2035. Bộ trưởng cho rằng, chỉ vay tối đa 30% tổng nguồn vốn đầu tư dự án.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa quyết định vay vốn trong nước hay vay từ nguồn vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ (ODA).

“Nếu vay ODA mà lãi suất thấp và không ràng buộc điều kiện thì đây là lựa chọn tốt; còn nếu có ràng buộc điều kiện thì chúng tôi sẽ ưu tiên vay trong nước”, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Để dự án triển khai hoàn thành sớm, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, lần đầu tiên, Việt Nam triển khai một dự án rất lớn thế này cho nên rất cần các cơ chế, chính sách đặc thù để rút ngắn thời gian triển khai, hoàn thành dự án.

Tuyến đường sắt bắt đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM), đi qua 23 ga hành khách, tại 20 tỉnh, thành, chiều dài tuyến khoảng 1.541km.

Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/giờ, tải trọng 22,5 tấn trên trục.

Đường sắt chạy trên ray, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán, tàu hàng sử dụng động lực tập trung; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao trên thế giới.

Nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha, số dân tái định cư khoảng 120.836 người.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1,71 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 67,34 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục