Tại gói thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (88km, tổng vốn hơn 20.469 tỷ đồng), đoàn công tác ghi nhận nhà thầu bố trí 1.107 đầu máy thiết bị cùng 3.182 nhân lực, tổ chức 43 mũi thi công. Chủ đầu tư và nhà thầu báo cáo về tình hình thực hiện dự án, cơ bản đảm bảo được kế hoạch thi công và tiến độ dự án.
Tại hiện trường, Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá, dự án thành phần cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn là dự án lớn nhất trong 12 gói dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2. Đặc biệt, trên tuyến dự án có 3 hầm xuyên núi nên khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật và năng lực nhà thầu phải đảm bảo. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm nhà thầu đã đào thông an toàn 2/3 hầm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá tiến độ này là rất tích cực.
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), hiện gói thầu mới bàn giao hơn 85,5/88km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi còn vướng tỷ lệ lớn hơn, còn 2,2km mặt bằng chưa bàn giao, đoạn qua Bình Định còn 0,6km chưa bàn giao. Tại hiện trường, đại diện chủ đầu tư Ban Quản lý Dự án 2 kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định sớm giải quyết các diện tích mặt bằng còn vướng, các vị trí mặt bằng “da báo”, “xôi đỗ”. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hỗ trợ tháo gỡ khó khăn mỏ vật liệu, đường vận chuyển vật liệu…
Còn tại công trường các dự án thành phần Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh, đại diện Ban Quản lý dự án 85 cho biết, các nhà thầu huy động 160 mũi thi công, với hàng ngàn kỹ sư, công nhân, lái máy để nỗ lực hoàn thành các phần việc.
Tuy nhiên, vướng mắc tại 2 dự án này là rất lớn. Trong đó tại dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn (Bình Định), nhà thầu là Công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh Đoàn 12, Bộ Quốc phòng) cho biết, điểm vướng mắc lớn nhất dự án là việc chuyển đổi 12,7ha rừng tự nhiên giáp ranh 2 huyện Phù Mỹ, Hoài Ân.
Vướng mắc này liên quan đến cơ chế, quy định Trung ương và có thể phải trình qua Quốc hội nên còn kéo dài. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, vừa qua tại cuộc làm việc với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác Trung ương, Tỉnh ủy Bình Định đã kiến nghị vướng mắc trên, lãnh đạo Quốc hội đang giao các bộ ngành tham mưu sớm tháo gỡ.
Còn tại dự án thành phần cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh (tỉnh Phú Yên), đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 85 nêu khó khăn, hiện còn vướng mắc trong công tác bàn giao mặt bằng đoạn qua xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu và đoạn qua cầu Kỳ Lộ thuộc xã Xuân Định (huyện Tuy An).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ, dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh dài 90km, đến nay đã bàn giao mặt bằng 97,5%, thi công đạt 86%. Ở 2 vị trí vướng mắc giải phóng mặt bằng ở thị xã Sông Cầu và Tuy An do người dân chưa đạt thỏa thuận, địa phương dự kiến sẽ tiến hành cưỡng chế.
Qua đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị Phú Yên giải quyết dứt điểm vướng mắc mặt bằng, quan tâm chế độ, chính sách và phải vận dụng quy định đảm bảo tối đa quyền lợi người dân khi thực hiện GPMB. Đối với các trường hợp cố tình chây ì làm chậm tiến độ dự án thì nên tổ chức cưỡng chế và triển khai sớm. Bộ trưởng đề nghị tỉnh Phú Yên cần đôn đốc bàn giao mặt bằng sạch cho dự án cao tốc, đến 30-4 này cần hoàn thành.
Hoàn tất kiểm tra 2 dự án qua Bình Định, Phú Yên, Bộ trưởng Bộ GTVT tin tưởng các dự án sẽ hoàn thành vượt tiến độ, phấn đấu đưa về cán đích vào 30-9-2025, vượt tiến độ ít nhất 1 quý.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị các đơn vị cần hoàn thành đồng bộ hạ tầng cao tốc cả phần cứng lẫn phần mềm. Bởi, nếu hoàn thành hạ tầng chính cao tốc mà không kịp đưa vào các trạm dừng nghỉ cho lái xe, hành khách thì sẽ phát sinh các hệ lụy, rủi ro.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị tại các trạm dừng chân dọc cao tốc qua Bình Định, Phú Yên, cần tích hợp các mô hình kinh doanh, gian hàng đặc sản hoặc quảng bá tiềm năng kinh tế đặc trưng địa phương, nhất là các sản phẩm OCOP…