Chiều 4-6, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể đã hoàn thành phần trả lời chất vấn ĐBQH.
Theo ĐB Lê Thanh Vân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thực chất mới đảm nhận vị trí Bộ trưởng 8 tháng, dù trước đó đã từng giữ chức Thứ trưởng Bộ GT-VT nhưng vẫn phải chia sẻ với những khó khăn, tồn tại tích lũy từ nhiều năm trước của ngành GT-VT. Nhiều vấn đề tồn tại của ngành GT-VT phải giải quyết như BOT, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. “Nhưng tôi đánh giá cao Bộ trưởng đã thành thật xin lỗi với những sự kiện xảy ra gần đây, nhất là với tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra gây bao nỗi đau lòng”, ĐB Lê Thanh Vân nói.
Theo ĐB Lê Thanh Vân, Bộ trưởng cũng đã thành tâm tiếp thu ý kiến của xã hội đối với tên trạm thu phí-trạm thu giá. Bộ trưởng cũng đã thành tâm tiếp thu ý kiến xác đáng của ĐBQH và quan trọng là Bộ trưởng đã đưa nhiều lời hứa, từ những vụ việc cụ thể như sẽ cho kiểm tra, thị sát, giải quyết ngay đến những lời hứa ở tầm vĩ mô như dự án hiện đại hóa hệ thống đường sắt Bắc Nam. “Đó là những lời hứa và chúng ta sẽ chờ đợi xem trong thời gian tới Bộ trưởng Bộ GT-VT sẽ giải quyết những vấn đề đó như thế nào”, ĐB Lê Thanh Vân nói.
Chia sẻ thêm về nội dung nóng nhất phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GT-VT là BOT, ĐB Lê Thanh Vân cho rằng, cần có một giải thích về phí và giá. Luật giá có quy định về cách tính giá trị hàng hóa. Trong dự luật này thì dịch vụ cũng là một loại hàng hóa vô hình. “Nhưng bây giờ chúng ta đang tồn tại cả luật giá và luật về phí, do đó cách hiểu khác nhau. Người ta cho rằng dễ có sự đánh tráo khái niệm. Do đó, tôi đề nghị hoặc Chính phủ phải có một văn bản đưa ra khái niệm nhất quán về giá và phí, hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có một giải thích rõ ràng về điều này”, ĐB Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Theo ĐB, khái niệm về phí thì khá rõ, còn khái niệm về giá trong luật giá chưa định nghĩa rõ. Người dân đang hiểu khái niệm phí - giá theo kinh tế học: giá là giá trị được kết tinh trong một sản phẩm hàng hóa và được tính bằng tiền. Giá thường được để xác định đối với hàng hóa. “Khi đã quyết định dịch chuyển quyền sở hữu của hàng hóa bằng một giá nhất định thì quyền sở hữu, quyền chiếm đoạt, quyền sử dụng của hàng hóa đó đã dịch chuyển rồi. Ví dụ tôi mua một cái chén với giá 5 đồng thì tôi có quyền sở hữu nó. Trong khi đó phí dịch vụ là cung cấp một nhu cầu nào đó được đáp ứng cho khách hàng, nhưng có thể vật chất đó không thay đổi”, ĐB Lê Thanh Vân giải thích. Ví dụ việc BOT giao thông vừa rồi, đường là do doanh nghiệp (DN) đầu tư, nhưng con đường đó không hoàn toàn là của DN, bởi đất là của Nhà nước giao. Đường BOT mà chúng ta gọi đó chỉ là lớp nhựa được rải lên để có thể lưu chuyển được, còn nền đất đó là của Nhà nước, là sở hữu chung. Vậy nên DN bỏ tiền ra đầu tư mà gọi là giá thì phần đường đó phải được dịch chuyển sở hữu về người mua (nếu hiểu theo kinh tế học). Ở đây thì không, chi phí làm BOT đó chỉ là chi phí khấu hao mà DN bỏ ra để bảo đảm thu lại cân đối tài chính đầu tư và thu lại có lợi nhuận, vì thế phải gọi đó là phí.
“Hiện nay trong nhận thức cả giữa phí và giá là chưa nhất quán. Cách hiểu này có thể dẫn đến làm sai bản chất sự vật và hiện tượng, gây dư luận không tốt. Tôi cho rằng, cần có một giải thích của cơ quan có thẩm quyền, mà ở đây là Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tôi tán thành ý kiến của Chủ tịch Quốc hội khi cho rằng không gọi trạm thu giá, mà nên giữ nguyên trạm thu phí”- ĐBQH Lê Thanh Vân nói.