Sự kiện được tổ chức trực tuyến, điểm cầu chính đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD-ĐT, kết nối với hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học.
Buổi gặp mặt là dịp để giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học nói lên tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong công tác. Đây cũng là dịp để Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lắng nghe ý kiến nhằm hoàn thiện công tác quản lý, điều hành, chính sách.
Thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận hơn 200 ý kiến từ các trường ĐH-CĐ. Các ý kiến tập trung vào những nhóm vấn đề như: tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục...
Các đại biểu tham dự sự kiện tại điểm cầu Bộ GD-ĐT |
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, trong số hơn 200 ý kiến gửi về, ý kiến của giảng viên chiếm hơn 50%, còn lại là của nhân viên trường học và cán bộ quản lý. Rất nhiều ý kiến phản ánh về thực trạng việc triển khai tự chủ hiện nay ở các trường đại học đã tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Điều này cũng thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của nhà trường.
Liên quan đến việc tạm dừng tăng học phí đại học, các ý kiến nêu bật trách nhiệm xã hội của các trường đại học, góp phần chia sẻ khó khăn với phụ huynh, sinh viên. Tuy nhiên, việc không tăng học phí nhưng vẫn tăng lương cơ bản theo lộ trình, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đào tạo trong bối cảnh hiện nay... đã làm cho các trường gặp rất nhiều khó khăn về nguồn kinh phí.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gặp mặt đông đảo các nhà giáo, nhà khoa học cả khối công và ngoài công lập |
Trong nhóm vấn đề liên quan đến chế độ chính sách đối với giáo dục đại học, số đông các ý kiến phản ánh thu nhập của giảng viên các trường đại học, đặc biệt là giảng viên trẻ khối trường đại học sư phạm còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Điều này dẫn đến tình trạng giảng viên không yên tâm công tác. Hiện tượng giảng viên có trình độ cao bỏ việc ở trường công, chuyển công tác sang ngoài công lập với thu nhập cao hơn đang diễn ra ngày càng nhiều…
Bên cạnh đó, các ý kiến bày tỏ mong muốn có phụ cấp đứng lớp và phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo chuyển sang làm cán bộ quản lý; chế độ phụ cấp thâm niên đối với cán bộ nhân viên khối phòng ban trong các trường đại học.
Nhiều ý kiến mong muốn được Bộ trưởng chia sẻ định hướng của Bộ GD-ĐT trong việc phát triển các ngành đào tạo theo chuẩn chất lượng cao để chương trình học đảm bảo mạnh về lượng, chuyên về chất. Giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công nghệ thông tin, công nghệ số. Vấn đề sở hữu trí tuệ, khai thác và quản lý các sản phẩm khoa học công nghệ… cũng là những nội dung được các giảng viên quan tâm nêu bật trong chương trình.
Trong nhóm vấn đề về tự chủ đại học, các trường mong muốn Bộ GD-ĐT có cơ chế để các trường vận hành tự chủ và vai trò của giảng viên trong tự chủ về học thuật, nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong bối cảnh chuyển đổi số…
Một số ý kiến cho rằng không nên dùng điểm học bạ xét tuyển đại học, cao đẳng vì không đảm bảo chất lượng, tỷ lệ sinh viên ra trường làm không đúng ngành được đào tạo cao.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ vui mừng vì lần đầu tiên được gặp gỡ, trao đổi rộng rãi với các giảng viên, nhà khoa học công tác tại các trường ĐH-CĐ trên cả nước. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng gặp mặt phần đông các nhà giáo, nhà khoa học cả khối công và ngoài công lập.
“Các thầy cô còn nêu vấn đề, còn trao đổi, còn hỏi là còn đáng mừng. Sợ nhất là sĩ phu ngoảnh mặt với vấn đề của quốc gia, vấn đề giáo dục. Xin sẵn sàng đón nhận ý kiến, sự quan tâm, tầm nhìn, trí tuệ của các thầy cô”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.