ĐB Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) chất vấn về giải pháp khắc phục thiếu hụt giáo viên ở nhiều địa phương. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận, thiếu giáo viên là vấn đề lớn, việc này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều môn học mới; nâng chuẩn giáo viên tiểu học và mầm non… Hiện cả nước thiếu trên 94.000 giáo viên; trong đó 1/3 là giáo viên mầm non. Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã phối hợp để giải quyết. 2 Bộ đã trình phê duyệt tuyển hơn 20.000 giáo viên ở các khu vực có nhu cầu cao; trình cấp thẩm quyền tuyển hơn 27.000 giáo viên để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở một số bậc học, trong đó có mầm non.
ĐB Nguyễn Thị Kim Dung (Thái Bình) chất vấn việc tuyển sinh khối ngành sức khỏe đang có chênh lệch rất lớn. Nhiều trường chênh nhau đến 10 điểm, trong khi chất lượng đầu vào rất quan trọng, phần nào quyết định chất lượng đầu ra. Trong khi đó, đào tạo khối ngành sức khỏe là một ngành đặc biệt, bởi ngành y tế chỉ cần một quyết định sai cũng rất nguy hiểm. “Có những trường, tôi được biết, khi Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành sức khỏe đã không hỏi ý kiến Bộ Y tế. Vừa qua, Bộ Y tế kiểm tra, có một số nơi không đảm bảo điều kiện đào tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, khi cho phép mở ngành sức khỏe, Bộ GD-ĐT đều có hỏi ý kiến Bộ Y tế. Theo quy định, việc mở mã ngành sẽ được thực hiện theo quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Riêng ngành sức khoẻ và sư phạm sẽ phải theo quy chuẩn, với tiêu chí nghiêm ngặt và phải được thẩm định. Bộ GD-ĐT vẫn đang thực hiện nghiêm túc theo đúng quy trình. Bộ xin tiếp thu ý kiến của đại biểu, đồng thời sẽ tiếp tục rà soát và bổ khuyết.
ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai) chất vấn, “Bộ trưởng nói dạy thêm, học thêm lúc bình thường đã cấm, học trực tuyến càng cấm. Tôi đồng tình điều này nhưng có vẻ chúng ta chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề. Dạy thêm, học thêm như vấn nạn của xã hội. Chúng ta tư duy cái gì không quản được thì cấm. Chúng ta nên xem đó như một nhu cầu của học sinh, phụ huynh. Tôi thú thực con em của chúng tôi cũng trưởng thành một phần nhờ học thêm”, ĐB nói và cho rằng, việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ vấn đề lương của giáo viên quá thấp. Nhiều giáo viên coi dạy thêm như phao cứu sinh. “Tôi mong ngành giáo dục cần nhìn lại. Qua 2 đợt dịch bệnh, tôi thấy giáo viên cũng là đối tượng cần hỗ trợ”, ĐB Nguyễn Công Long phát biểu.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời, trước đây dạy thêm, học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng sau đó quy định này bị bỏ. Nếu giáo viên dạy thêm cho chính học sinh của mình, dạy trước nội dung, cho những đối tượng riêng biệt thì bị xếp vào đạo đức công vụ. Trong điều kiện học trực tuyến đã rất căng thẳng, việc dạy thêm trực tuyến cần được lên án.
Tranh luận về chủ đề dạy thêm, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, đây là vấn đề đã được nói từ các khóa trước, Quốc hội đã thảo luận rất nhiều, và câu chuyện này chưa có hồi kết. “Bộ trưởng nói sẽ rà soát các quy định của pháp luật, nhưng đó mới chỉ là các công việc bề nổi. Có nhiều vấn đề chiều sâu cần giải quyết liên quan đến việc dạy thêm”, ĐB tranh luận. Như cần giảm tải chương trình, bắt đầu từ giảm tải SGK, vì hiện nay học sinh phải tiếp nhận khối lượng chương trình quá lớn; nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Rồi phải thay đổi phương pháp dạy học, từ dồn ép kiến thức sang dạy tư duy, rất hoan nghênh Bộ GD-ĐT sẽ chấm dứt tình trạng văn mẫu, chuyển sang cách dạy sáng tạo. Bên cạnh đó, cần đổi mới, cải tiến phương pháp thi cử mạnh mẽ hơn nữa, nội dung thi cần tập trung vào đổi mới sáng tạo của học sinh nhiều hơn, thay vì thi theo mẫu. Đặc biệt, ĐB cho rằng, nếu còn hệ thống trường chuyên thì còn dạy thêm, học thêm. Trường chuyên là cơ sở bồi dưỡng nhân tài, nhưng phải thay đổi nội dung và phương pháp để phù hợp.
Nói thêm về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dạy thêm, học thêm vẫn cần giải pháp chuyên môn và tham khảo tinh thần thái độ, dư luận xã hội. Những ý kiến tranh luận của ĐB Nguyễn Lâm Thành là giải pháp về chuyên môn, Bộ GD-ĐT đang triển khai như đổi mới giảng dạy một số môn đang theo tinh thần tự học, sáng tạo; hạn chế việc trang bị, nhồi nhét kiến thức là nguyên nhân của tình trạng dạy thêm, học thêm. Mặt khác, thời gian tới ngành giáo dục sẽ tính đến lộ trình thi THPT theo hướng nhằm hạn chế việc dạy thêm. Song, Bộ trưởng cũng cho rằng, tâm lý xã hội cần điều chỉnh khi mà thực tế, phụ huynh học sinh muốn con em mình học ứng thí hơn là chú ý đến việc cho em mình học cái để phát triển bản thân của các cháu...
ĐB Trần Thị Thanh Hương (An Giang) nêu thực trạng sau một thời gian dài học sinh ở nhà để phòng chống dịch, phụ huynh rất mong muốn các cháu trở lại trường để việc học chất lượng hơn. Dù vậy, phụ huynh có con học tiểu học chưa yên tâm khi trẻ chưa được tiêm vaccine. Bộ trưởng cho biết, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn với dịch Covid-19, ngành giáo dục đã có kế hoạch thúc đẩy đưa học sinh trở lại trường học an toàn và đã hướng dẫn cho các địa phương về mặt chuyên môn và định hướng. “Hiện nay, các tỉnh phần lớn xử lý theo quy mô cấp, nơi nào đang là vùng xanh, an toàn thì nên mạnh dạn đưa các cháu quay trở lại trường, nhưng tôi cho rằng có thể mạnh mẽ hơn, xử lý đến quy mô xã, phường. Các trường tiểu học, mầm non thường phù hợp với quy mô địa bàn xã phường, còn trường trung học quy mô đến cấp huyện. Do đó, nếu xã phường thuộc vùng xanh có thể đưa học sinh tới lớp mà không cần đợi cả huyện, tỉnh. Cả huyện mà vùng xanh, an toàn thì mở cửa trường trung học”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc tiêm vaccine cho học sinh dưới 12 tuổi trở xuống, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã trả lời chất vấn. Đây là vấn đề mà đối với thế giới vẫn là cả “câu chuyện phía trước". Do đó, tùy theo tính chất, mức độ, tình hình từng địa phương để xem xét đưa học sinh quay lại trường đảm bảo các điều kiện an toàn. "Quan điểm của chúng tôi là vừa thực tiễn, nhưng cũng kiên quyết, mạnh mẽ xử lý nội dung này", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu. |