Sáng 11-8, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2016-2017 với giáo dục đại học.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề cập đến nhiều vấn đề “nóng” của giáo dục mà thời gian qua xã hội đặc biệt quan tâm như “mưa điểm 10” trong kỳ thi THPT quốc gia 2017; xét tuyển đại học còn bất cập khi nhiều thí sinh điểm rất cao vẫn không đỗ nguyện vọng 1; điểm chuẩn sư phạm thấp...
Chẳng hạn hiện tượng nhiều điểm 10 trong kỳ thi vừa qua, theo Bộ trưởng, vấn đề không đúng như dư luận lo lắng. Mà do phương thức thi năm 2016 và 2017 khác nhau, năm nay thi trắc nghiệm nhiều môn. Phương thức thi này khiến nhiều em điểm 10 hơn, nhưng tỷ lệ vẫn chỉ là 3-4% điểm 9, 10. Điểm trung bình vẫn chiếm nhiều nhất. “Cần hết sức bình tĩnh để nhìn nhận hiện tượng này. Nhưng chúng ta sẽ tập trung hơn về các vấn đề kỹ thuật để hoàn thiện ngân hàng đề thi, chuẩn hóa đề thi để tạo niềm tin cho xã hội”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu.
Hay hiện tượng xét tuyển vừa qua có một số thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1, theo Bộ trưởng là do năm nay ứng dụng CNTT tốt, tính minh bạch cao, nên nhiều em điểm cao đã tập trung xét tuyển vào một số trường, đẩy điểm chuẩn lên cao. “Mọi năm các em điểm cũng cao nhưng do ứng dụng CNTT chưa tốt, minh bạch chưa cao nên các em không dám nộp hồ sơ. Khối trường quân đội, công an năm nay giảm chỉ tiêu nhiều nên đẩy điểm chuẩn cao. Hay như y đa khoa năm nào cũng cao như vậy cả. Vì vậy, không nên chỉ nhìn vào hiện tượng mà đánh giá bản chất. Bất cứ một vấn đề nào cũng cần nhìn nhận toàn diện khách quan, bình tĩnh đánh giá”, ông Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm.
Về dư luận đối với chuyện cộng điểm ưu tiên xét tuyển đại học (vừa qua dư luận cho rằng, khi xét tuyển, việc nhiều thí sinh đỗ nhờ được cộng mức điểm ưu tiên cao đã gây thiệt thòi cho những thí sinh ở khu vực 3), Bộ trưởng cho rằng, cộng điểm ưu tiên là cần thiết. “Nhưng mức cộng thế nào, đối tượng nào thì bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe. Tới đây sẽ có khảo sát thực tế và có thể có điều chỉnh phù hợp với một số đối tượng, trong đó chính sách người có công vẫn bảo đảm”, ông Nhạ cho biết.
Hơn 40% học sinh chọn học lên ĐH-CĐ sau khi tốt nghiệp THPT
Bộ GD-ĐT cho biết, năm học 2016-2017, học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng chiếm khoảng 41%; vào cao đẳng, trung cấp khoảng 23%; học nghề tại trung tâm đào tạo nghề khoảng 13%, đi làm sau khi tốt nghiệp khoảng 10%.
Còn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm năm nay, tỷ lệ học sinh không đăng ký xét tuyển đại học chiếm 26%. Thực tế cho thấy đã có sự chuyển biến về nhận thức của học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề và hướng đi phù hợp với năng lực của mình.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT thừa nhận, hệ thống thông tin thị trường lao động còn thiếu và chậm cập nhật, chưa đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhất là đối với học sinh THCS trong bối cảnh tâm lý “chạy theo” bằng cấp còn nặng nề. Việc phối hợp giữa các bên liên quan trong việc hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh THCS, THPT ở nhiều nơi vẫn thụ động và chưa thực sự hiệu quả.
Bộ GD-ĐT cho hay, trong năm học mới 2017-2018 sẽ tăng cường công tác dự báo làm căn cứ cảnh báo xã hội về nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực, giúp người học định hướng các ngành nghề theo học và các cơ sở đào tạo có kế hoạch phát triển các ngành nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu nhân lực trong quá trình phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học để thúc đẩy phân luồng.