Chiều 1-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Đáng chú ý, ĐB Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) bày tỏ lo lắng về tình trạng bạo lực học đường, bạo lực học đường trên không gian mạng, hiện tượng học sinh bị vấn đề sức khỏe tâm thần. Nhưng, hiện nay chất lượng tư vấn tâm lý học đường chưa đáp ứng yêu cầu, giải pháp phòng chống bạo lực học đường chưa hiệu quả.
ĐB đề nghị Chính phủ, ngành giáo dục đẩy mạnh giải pháp xây dựng trường học thân thiện, an toàn, hạnh phúc. Có chính sách để tuyển dụng, sử dụng cán bộ tư vấn tâm lý học đường làm việc toàn thời gian ở trường học. Xã hội, gia đình, nhà trường cũng cần nâng cao nhận thức về vấn đề sức khỏe tâm lý, không tạo áp lực cho học sinh.
Trước đó, trong phiên thảo luận buổi sáng ngày 1-6 cũng như những phiên thảo luận trước đó, nhiều ĐB quan tâm đến vấn đề tăng học phí, tăng giá SGK khiến cuộc sống người dân thêm khó khăn trong bối cảnh chúng ta vừa đi qua đại dịch.
Chiều 1-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã giải trình về các vấn đề mà ĐB nêu trong lĩnh vực giáo dục.
Vấn đề tăng học phí, Bộ trưởng cho biết, mức thu học phí từ phổ thông đến đại học được quy định tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, nhưng chủ yếu áp dụng trong năm học 2022-2023.
Học phí mầm non, phổ thông là do địa phương quyết tùy tình hình thực tế (một số địa phương thực hiện miễn, giảm trong thời gian qua, khi xảy ra dịch Covid-19). Khung học phí năm học 2022-2023 có mức sàn - mức trần.
Học phí đại học đối với các trường đã tự chủ thì do các trường tự chủ. Còn đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thì từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 – 2026, mức trần học phí được quy định theo từng khối ngành với mức từ 1.200.000 đồng đến 3.500.000 đồng/sinh viên/tháng...
“Nhưng căn cứ tình hình dịch bệnh trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã nhiều lần có công văn đề nghị các địa phương, trường đại học chia sẻ khó khăn với người học, đề nghị cân nhắc lộ trình tăng học phí phù hợp trong điều kiện có dịch; hỗ trợ SGK cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói. |
Về giá SGK, Bộ trưởng cho hay, theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, thì SGK thực hiện xã hội hóa. Từ góc độ quản lý nhà nước về chuyên môn và kỹ thuật, Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo để học sinh được tiếp cận SGK giá phù hợp nhất, như chỉ đạo SGK phải sử dụng nhiều lần; việc in sách không lạm dụng hình ảnh để giảm chi phí sản xuất.
Bộ GD-ĐT cũng nhiều lần ban hành văn bản đề nghị Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam giảm các chi phí trung gian để bảo đảm giá thành thấp nhất. Bộ cũng đã chỉ đạo các giải pháp để hỗ trợ SGK cho các đối tượng học sinh khó khăn; cung cấp bản SGK PDF miễn phí; tái cơ cấu Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam để giảm chi phí sản xuất SGK…
Đặc biệt, giải pháp căn bản nhất là Bộ GD-ĐT có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định, có chính sách trợ giá, hỗ trợ SGK cho đối tượng học sinh khó khăn. Dù Bộ Tài chính chưa phản hồi nhưng Bộ GD-ĐT kiên trì kiến nghị này.
Ngoài ra, tới đây Bộ GD-ĐT cũng ban hành thông tư về quy chuẩn biên soạn SGK.
Theo quy định của Luật Giá, SGK thuộc mặt hàng do các nhà xuất bản tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK và thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường; đồng thời thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ thông tin về giá sách.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT nhìn nhận: Cơ chế kê khai giá như hiện nay có thể dẫn đến hiện tượng mức giá cao - thấp khác nhau, tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh, trong khi đó SGK thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.