Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu

Chỉ còn hai ngày nữa là các thầy cô, học sinh, sinh viên cả nước chính thức bước vào năm học mới 2024-2025, năm học mà ngành giáo dục tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn (ảnh) chia sẻ với báo chí về một số vấn đề trọng tâm của ngành giáo dục.

C1c.jpg

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, năm học 2024-2025 sẽ hoàn thành chu trình đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình mới. Đây là những vấn đề rất quan trọng, vậy Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo gì để triển khai hiệu quả?

BỘ TRƯỞNG NGUYỄN KIM SƠN: Năm học 2024-2025, cùng với cả nước, ngành giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ lớn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục đổi mới GD-ĐT. Ngành giáo dục đã xác định chủ đề năm học 2024-2025 là “đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương” với 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Xác định đây là năm học quan trọng, Bộ GD-ĐT đã có những chuẩn bị từ các năm học trước. Ví dụ, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận rất cao từ xã hội. Ngay sau khi phương án được ban hành, Bộ GD-ĐT đã bắt tay vào chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được ban hành vào tháng 11-2024, tính ổn định lâu dài của quy chế thi cũng đã được tính đến trong quá trình dự thảo để thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương trong thực hiện. Quá trình chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cần triển khai thử trên phạm vi khá rộng để đánh giá, do đó các Sở GD-ĐT đã sẵn sàng phương án cho công tác này, đồng thời tập dượt, tránh những rủi ro khi triển khai kỳ thi chính thức.

Vấn đề “nóng” mỗi đầu năm học mới là đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên. Năm nay, vấn đề này đã được giải quyết đến đâu, thưa Bộ trưởng?

Cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu giáo viên. Năm học 2023-2024, toàn ngành đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên, tuy nhiên số học sinh không ngừng tăng dẫn đến số lớp tăng.

Năm học 2023-2024, cấp THCS tăng 7.198 lớp (tương đương số giáo viên tăng 13.676), cấp THPT tăng 1.213 lớp (tương đương số giáo viên tăng 2.729) so với năm học 2022-2023, dẫn đến số giáo viên còn thiếu vẫn còn nhiều và ở hầu hết các địa phương.

Bộ GD- ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ số chỉ tiêu biên chế còn lại theo Quyết định 72 của trung ương; quyết liệt đôn đốc các địa phương tuyển hết số biên chế được giao từ các năm trước và giao bổ sung. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế của nhà giáo; trong đó có Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên.

Trước thềm năm học mới, tôi mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực với cố gắng mới, quyết tâm mới, giải pháp mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Chúc các thầy cô thêm niềm vui, động lực để công tác và cống hiến. Chúc các em học sinh, sinh viên sẽ có một năm học mới với nhiều sáng tạo và tiến bộ

- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN KIM SƠN

Bộ GD-ĐT sẽ có những giải pháp nào khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thưa Bộ trưởng?

Thực tế số phòng học chưa được kiên cố hóa vẫn còn cao, trung bình cả nước còn khoảng 15,5% số phòng học chưa được kiên cố hóa. Vẫn có hiện tượng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp, mới chỉ đạt 50,63%...

Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 kiên cố hóa 100% cơ sở giáo dục và khắc phục được khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp hiện nay cần sự nỗ lực rất lớn từ các địa phương, trong đó có vai trò tham mưu của các Sở GD-ĐT.

C2a.jpg
Học sinh lớp 11 năm học 2023-2024 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa trong giờ thực hành môn Sinh học. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Năm học 2024-2025 sẽ là năm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm nên tôi cho rằng các Sở GD-ĐT địa phương cần lưu ý tham mưu xây dựng kế hoạch 5 năm 2025-2030 để chủ động đầu tư cho giáo dục. Cùng với đó, các địa phương cần bảo đảm chi ngân sách tối thiểu cho giáo dục 20%.

Một trong những mục tiêu trọng tâm sẽ được ngành giáo dục tập trung thực hiện trong năm học 2024-2025 là sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Tiếp tục kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư. Bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông và quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học.

Tin cùng chuyên mục