Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH), Bộ GD-ĐT, tuyển sinh năm 2020 sẽ cố gắng để khắc phục những hạn chế của tuyển sinh 2019 như tổ hợp xét tuyển chưa phù hợp với ngành đào tạo; quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào thấp; tỷ lệ thí sinh trúng tuyển, nhập học vào ngành sư phạm còn thấp (một số ngành chỉ có một số ít thí sinh đủ điểm sàn, không đủ điều kiện để mở lớp, trường quyết định không thực hiện theo thông báo, dừng tuyển sinh để thí sinh trúng tuyển nguyện vọng tiếp theo… nhưng không trao đổi với các cơ quan có liên quan để giải quyết quyền lợi cho thí sinh); một số trường nhập dữ liệu danh sách thí sinh trúng tuyển, thí sinh xác nhận nhập học, thí sinh đã nhập học lên hệ thống chưa đúng yêu cầu, hướng dẫn.
Định hướng tuyển sinh 2020 là giữ ổn định tuyển sinh năm 2020; quán triệt chỉ đạo của Chính phủ về thi tốt nghiệp THPT 2020: các địa phương chủ trì tổ chức thi THPT nghiêm túc, Bộ GD-ĐT ra đề thi, các trường đại học và các bên giám sát, thanh tra...; các trường có thể sử dụng kết quả điểm thi THPT để làm căn cứ xét tuyển; Bộ GD-ĐT hỗ trợ cơ sở dữ liệu, thí sinh đăng ký xét tuyển, các trường xét tuyển và lọc ảo đợt 1; các trường có thể tuyển sinh nhiều lần trong năm; các trường tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về công tác tuyển sinh. Công tác tuyển sinh 2020 có thể kéo dài đến 28-2-2021.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, do tác động của dịch Covid-19, chúng ta đã lần đầu tiên áp dụng dạy và học trực tuyến mạnh mẽ, bước đầu có hiệu quả rất khả thi. Đây không chỉ là giải pháp tình thế mà là giải pháp quan trọng không chỉ với GDĐH mà cả giáo dục phổ thông. Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện quy chế đào tạo trực tuyến, nhất là với GDĐH để đẩy mạnh phương thức đào tạo này. Bộ GD-ĐT sẽ kết hợp với các tập đoàn viễn thông, công nghệ để bảo đảm nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng đào tạo trực tuyến.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, tuyển sinh năm 2020 trong bối cảnh đại dịch, có nhiều khó khăn, nhưng các trường đại học cần giữ sự ổn định, tạo thuận lợi cho thí sinh, không làm thí sinh hoang mang, lo lắng.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong hoàn cảnh có dịch, không có phương án thi và tuyển sinh hoàn hảo, nhưng thi tốt nghiệp THPT là phương án tối ưu nhất trong các sự lựa chọn, vì vậy khi đã chốt phương án thì cố gắng làm tốt và đảm bảo tính nhất quán.
Về tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, quá trình chuyển đổi chất lượng điểm trong học bạ giữa các vùng miền rất khác nhau, có những vùng học bạ rất "long lanh" nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Do đó, những trường đại học dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển bằng học bạ phải rất chú ý.
Năm nay, sau khi có phổ điểm tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành đối sánh với học bạ, để thấy chất lượng thực với chất lượng đánh giá của địa phương như thế nào.
“Việc áp dụng rộng rãi học bạ điện tử nên cơ bản có thể yên tâm. Xã hội sẽ được giám sát”, Bộ trưởng tin tưởng.
Bên cạnh đó, dù được tự chủ nhưng các trường phải xem xét rất kỹ để đưa ra các tổ hợp xét tuyển phù hợp, không thể đưa ra những tổ hợp lạ gây xôn xao cho xã hội rồi lại rút lại.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, dù tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, giao cho các địa phương tổ chức, nhưng đề thi bảo đảm độ phân hóa, các trường đại học sử dụng kết quả để xét tuyển. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện đề thi chính thức. Tuyển sinh 2020 giữ như 2019, tạo bình yên cho xã hội, hứng khởi cho học sinh, Chính phủ cũng yên tâm.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chất lượng đào tạo nhân lực có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển chung của đất nước. Không chỉ ở lo khâu đầu vào đại học (tuyển sinh), các trường đại học cần nâng cao chất lượng đào tạo, tư vấn và cung cấp nguồn nhân lực, thể hiện ngay trong mùa tuyển sinh này, trước hết bằng việc dự báo ngành nghề để học sinh biết được sau 4 năm học đại học ra trường như thế nào.
Các cơ sở GDĐH là nơi tập trung trí tuệ cao nhất của cả nước, trước những khó khăn, thách thức đất nước đang trải qua, với trách nhiệm là đơn vị nghiên cứu, đào tạo cung cấp nguồn nhân lực, các cơ sở GDĐH cần đồng hành với các giải pháp của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn.
“Đó mới là vai trò chủ đạo của các trường đại học, đừng chỉ chăm chăm chú trọng công tác tuyển sinh, bởi đầu vào đại học chỉ là một khâu của đào tạo đại học”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.