Đoàn công tác đã đi kiểm tra cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (quận 1).
Tại buổi làm việc, thầy Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương cho biết, điểm thi sẽ tổ chức 30 phòng thi. Thời điểm hiện tại, các phương án đảm bảo an toàn về y tế, cấp phát điện đã được chuẩn bị đầy đủ.
Trưởng điểm thi THPT Trưng Vương Nguyễn Trần Khánh Bảo thông tin, điểm thi không có thí sinh tự do, lực lượng cán bộ coi thi đang được Sở GD-ĐT TPHCM điều động đúng tỷ lệ theo quy định.
"Hiện nay, công tác an ninh và y tế đã sẵn sàng. Điểm thi bố trí một phòng để vật dụng cho thí sinh đảm bảo quy định cách 25 mét so với khu vực phòng thi. Điểm thi sử dụng 30/45 phòng học hiện có làm phòng thi cho thí sinh nên cơ sở vật chất rất đảm bảo", Trưởng điểm thi THPT Trưng Vương cho biết.
Đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương. Ảnh: CAO THĂNG |
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, học sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là lứa học sinh bị thiệt thòi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó, các trường cần quan tâm hỗ trợ, củng cố kiến thức để đảm bảo quyền lợi cho các em.
Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương cho biết, qua các kỳ thi kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ, nhà trường kịp thời phát hiện học sinh hổng kiến thức để bổ sung cho các em.
Ngoài ra, sau khi kết thúc học kỳ 2, trường tổ chức bài thi thử tốt nghiệp THPT với cách thức tổ chức giống kỳ thi thật để học sinh quen quy chế thi, hạn chế tối đa lỗi vi phạm do không nắm quy chế thi.
Sau khi kiểm tra công tác chuẩn bị tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương, đoàn công tác tiếp tục đến điểm thi Trường Trung học thực hành Sài Gòn (quận 5).
Học sinh tại Trường THPT Trưng Vương. Ảnh: CAO THĂNG |
Trưởng điểm thi Trường Trung học thực hành Sài Gòn Đỗ Đình Đoàn thông tin, điểm thi bố trí 20 phòng thi, 2 phòng thi dự phòng, 1 phòng để vật dụng cho thí sinh, 1 phòng y tế. Phòng trực điểm thi được trang bị điện thoại có loa ngoài, toàn bộ camera đều được niêm phong hoặc tháo gỡ theo đúng quy định.
Điểm thi có tổng cộng 60 cán bộ làm công tác coi thi và 17 nhân viên phục vụ.
Đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị tại điểm thi Trường Trung học thực hành Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG |
"Một tuần trước khi diễn ra kỳ thi, điểm thi sẽ được rà soát và vệ sinh một lần nữa để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi. Năm nay, quy chế thi ghi rõ những vật dụng được phép mang vào phòng thi thay cho quy định những vật dụng không được phép mang vào phòng thi như những năm trước nên thuận lợi hơn trong việc kiểm soát tại điểm thi", trưởng điểm thi Trường Trung học thực hành Sài Gòn cho biết.
Tại buổi làm việc ở UBND TPHCM, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hàng năm ngành giáo dục tổ chức rất nhiều kỳ thi. Trong số đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT có quy mô lớn, diễn ra đồng loạt trên cả nước nên đòi hỏi công tác chuẩn bị chu đáo, có sự phối hợp tốt của ban chỉ đạo kỳ thi ở các tỉnh, thành phố.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu. Ảnh: CAO THĂNG |
Trong đó, một trong những khâu quan trọng quyết định thành công của kỳ thi là công tác chuẩn bị. Từ thực tế đó, Bộ GD-ĐT tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị ở các tỉnh, thành phố để đảm bảo hiệu quả tổ chức kỳ thi tốt nhất.
"TPHCM là một trong những địa bàn có số lượng điểm thi, thí sinh dự thi đông nhất cả nước. Với đặc thù địa bàn rộng, dân cư đông nên các yêu cầu trong công tác chuẩn bị cần được tổ chức bài bản, chu đáo", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý.
Đáp lại mong mỏi đó, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin, từ cuối tháng 5-2023, UBND TPHCM đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với 45 thành viên.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin. Ảnh: CAO THĂNG |
Ngoài ra, tại tất cả 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đều thành lập ban chỉ đạo để đảm bảo công tác chuẩn bị xuyên suốt, chu đáo.
Trước đó, TPHCM đã tổ chức Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập vào hai ngày 6 và 7-6. Đây được xem là kỳ tổng dượt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT do được tổ chức theo đúng quy chế thi tốt nghiệp để đội ngũ làm quen với công tác tổ chức.
Năm nay, tổng số điểm thi tốt nghiệp THPT là 156 điểm thi, trong đó có 71 điểm thi có thí sinh tự do. Mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức có từ 1-3 điểm thi dự phòng. Khi xảy ra sự cố, thí sinh sẽ được di chuyển qua các điểm thi dự phòng.
Thành phố đã huy động 790 cán bộ làm lãnh đạo điểm thi, 11.280 cán bộ coi thi, 2.370 nhân viên phục vụ, 474 công an trực tại các điểm thi.
Trong tất cả các ngày diễn ra kỳ thi, TPHCM tổ chức vận chuyển và bàn giao đề thi hàng ngày, không lưu giữ đề thi qua đêm tại các điểm thi với tổng cộng 204 người làm công tác vận chuyển và đảm bảo an toàn cho đề thi, kể cả huyện xa nhất là Cần Giờ.
Về số lượng thí sinh, năm nay, TPHCM có 85.452 thí sinh THPT, 9.194 thí sinh giáo dục thường xuyên và 2.791 thí sinh tự do. Tổng số thí sinh miễn dự thi môn Ngoại ngữ là 9.985 em.
Hiện nay, công tác phối hợp giữa Sở GD-ĐT và các sở ngành liên quan, điện lực đều thông suốt, tất cả điểm thi đều được bố trí máy phát điện kịp thời hỗ trợ khi cần thiết.
Điểm in sao đề và điểm chấm thi được tổ chức nghiêm ngặt, đảm bảo yêu cầu an toàn, bảo mật theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT.
Tới đây, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tổ chức tập huấn cho toàn bộ trưởng điểm thi, cán bộ coi thi đảm bảo đội ngũ nắm vững quy chế, không để xảy ra sơ suất trong quá trình làm nhiệm vụ. Toàn bộ các khâu coi thi, chấm thi đều được quán triệt tinh thần thực hiện nghiêm túc, không sáng tạo, bám sát quy chế.
"Các điểm thi sẽ sinh hoạt kỹ quy chế thi cho thí sinh, lưu ý các em chỉ mang những vật dụng cần thiết được cho phép mang vào phòng thi để hạn chế mất thời gian trong việc gửi và nhận lại vật dụng vào đầu và cuối mỗi buổi thi", Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết.
Ông Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, để đảm bảo an ninh, trật tự cho kỳ thi, Công an TPHCM đã huy động trên 450 cán bộ hỗ trợ công tác tại các điểm thi, cùng với lực lượng cảnh sát giao thông đảm bảo giao thông thông suốt trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.
Nhận định về công tác chuẩn bị của TPHCM, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho rằng: "Tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị của TPHCM ở tất cả các khâu, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đăng ký hồ sơ thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh. Đối với các môn thi trắc nghiệm, điểm thi cần lưu ý nhắc nhở thí sinh tô rõ, chính xác mã đề thi để hạn chế thấp nhất thí sinh tô nhầm mã đề, phải can thiệp chấm thi bằng tay".
PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) phát biểu. Ảnh: CAO THĂNG |
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT đánh giá cao công tác chỉ đạo và phối hợp giữa các sở, ngành trên địa bàn TPHCM trong việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
"Ngành giáo dục cần tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền đến từng người dân, rà soát tất cả các khâu trong công tác chuẩn bị, bố trí nhân sự phù hợp, rõ người rõ việc, không chủ quan để đảm bảo hiệu quả tổ chức kỳ thi", Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT lưu ý.
Năm nay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TPHCM có 500 cán bộ thuộc Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Y dược làm công tác thanh tra, kiểm tra với tinh thần phòng ngừa là chính chứ không phải xử phạt vi phạm, đặc biệt nâng cao cảnh giác với các trường hợp gian lận công nghệ cao.
Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, TPHCM đã tích cực, chủ động, nghiêm túc, chu đáo trong công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Với quy mô số lượng thí sinh, điểm thi lớn, từ đây đến ngày diễn ra kỳ thi, TPHCM cần tiếp tục rà soát các điều kiện tổ chức với tinh thần không chủ quan, hạn chế thấp nhất bất thường phát sinh.
"Công tác tập huấn cán bộ coi thi cần được chú trọng, tránh tâm lý chủ quan do đội ngũ đã làm nhiệm vụ nhiều năm, xác định tập huấn là công việc thường xuyên và cần thiết", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Riêng đối với thí sinh, Bộ trưởng đề nghị các trường THPT tận dụng thời gian còn lại để hỗ trợ học sinh, đặc biệt học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có điều kiện dự thi tốt nhất.
Năm nay, kỳ thi diễn ra trong trạng thái mới với những thay đổi trong yêu cầu phòng chống dịch, tuy nhiên người đứng đầu ngành giáo dục cả nước lưu ý các địa phương không được chủ quan, đảm bảo an toàn sức khỏe cho thí sinh, cán bộ coi thi.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu. Ảnh: CAO THĂNG |
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết sẽ tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn công tác, đồng thời cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của Bộ GD-ĐT giúp TPHCM hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Thành phố sẽ nỗ lực tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Cụ thể, từ đây đến ngày diễn ra kỳ thi, thành phố tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền quy chế để hạn chế thấp nhất trường hợp thí sinh vi phạm quy chế.
"Mặc dù đã tổ chức thành công Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập với tinh thần tập dượt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng TPHCM không chủ quan, tiếp tục chú trọng công tác tập huấn, kiểm tra thường xuyên để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho kỳ thi", Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh.