Ngày 15-6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận trên hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội được cử tri quan tâm.
Trước đó, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu rằng, việc "điều hành xuất khẩu gạo lúc đêm khuya" đã gây nhiều bức xúc và thiệt hại cho doanh nghiệp. ĐB Nguyễn Tạo yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành trong việc này.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đại dịch Covid-19 xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới đã tác động tiêu cực đến toàn cầu hóa, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là trong hoạt động thương mại quốc tế. Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề về nguồn cung ứng lao động, cung ứng đầu vào và thị trường.
“Trước tình hình đó, Chính phủ liên tục chỉ đạo để đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, các bộ ngành cũng đã đều vào cuộc. Cụ thể, Bộ Công thương xây dựng kế hoạch hành động, ban hành ngày 3-6, tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn: củng cố và tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp; tập trung thúc đẩy xuất khẩu và tận dụng các cơ hội; tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước và phát triển thương mại điện tử”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Về điều hành xuất khẩu gạo, Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận, công tác này “chưa thực sự thông suốt”, nhưng nhìn chung xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm vẫn đạt kết quả tốt. Việt Nam được nhận định là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2020.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 3,06 triệu tấn, tăng 11,08% so với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,44 tỷ USD.
"Với triển vọng về thị trường và giá cả, Việt Nam có thể trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2020" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Theo ông Trần Tuấn Anh, trong 3 tháng đầu năm 2020, việc điều hành xuất khẩu gạo thực sự có những lúc còn chưa thông suốt. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 lúc đó diễn biến phức tạp thì những quyết định như vậy là cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực và tâm lý người dân.
Người đứng đầu ngành Công thương trần tình: "Trong 2 tháng đầu năm, giá gạo tăng rất nhanh, sản lượng xuất khẩu cũng tăng một cách đột biến, tăng tới 31,7% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu như 15 ngày đầu tháng 3, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục tăng cao như vậy thì có thể đến đầu vụ hè thu sẽ thiếu hụt lương thực”.
Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam hồi cuối tháng 3 cũng tăng rất nhanh, các nước cũng đang chống dịch vô cùng căng thẳng, tâm lý lo lắng, tích trữ lương thực đã bắt đầu xuất hiện do lo ngại nguy cơ mất an ninh lương thực. Nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long cũng có thể ảnh hưởng đến sản xuất vụ hè thu.
"Từ thực tế đó, sau khi Chính phủ họp, cân nhắc tình hình, trong bối cảnh giá gạo trong nước cao, tâm lý của người dân bất ổn, trên cơ sớ báo cáo chung của Bộ Công thương đề xuất quản lý xuất khẩu gạo theo hạn ngạch, tạm dừng xuất khẩu gạo để đánh giá lại tình hình sản xuất gạo trong nước, Thủ tướng đã ra quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo để ổn định giá gạo trong nước”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Vẫn theo Bộ trưởng Công thương, trong quá trình điều hành xuất khẩu gạo, nhận thấy sản lượng gạo của vụ đông xuân còn khá lớn. Mặt khác, các hợp đồng đã ký không ảnh hưởng đến nguồn cung gạo. Bộ Công thương đã báo cáo với Thủ tướng kiểm tra đánh giá toàn diện các hợp đồng, trên cơ sở báo cáo cẩn trọng của các bộ ngành, Thủ tướng thống nhất điều hành xuất khẩu gạo chặt chẽ theo hạn ngạch, trước mắt là 400.000 tấn trong tháng 4.
Sự linh hoạt trong điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ còn thể hiện ở chỗ, khi thị trường gạo rộng mở, giá gạo tăng cao, đủ yên tâm với nguồn cung trong nước, Thủ tướng đã thống nhất với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các bộ ngành đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường trong tháng 5. Đối với những bất cập trong chính sách điều hành xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành rút kinh nghiệm, để từ đó hoàn thành khung khổ pháp luật, đảm bảo điều hành xuất khẩu gạo hiệu quả.