Tuy không phải là người mới, song với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (ảnh), nhiệm kỳ mới vẫn đặt ra cho ông rất nhiều thách thức. Một trong những thách thức rất lớn đó là giảm nhập siêu.
- PV: Thưa Bộ trưởng, tại kỳ họp QH này, nhiều ĐBQH vẫn tiếp tục bày tỏ mối quan ngại về nhập siêu như là một yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng VŨ HUY HOÀNG: Đây cũng là một trăn trở lớn của tôi. Rõ ràng nhập siêu, kéo dài có ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô. Nhưng cũng cần phân tích rõ thế này, trong nhập khẩu, tỷ trọng nguyên, nhiên, vật liệu và thiết bị phục vụ sản xuất của chúng ta chiếm đến trên 93% kim ngạch, hàng tiêu dùng chưa tới 7%. Nhiều mặt hàng nguyên liệu, nhiên liệu chúng ta nhập về phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Nói chung, về cơ bản nhập siêu hiện nay để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.
- Nhưng còn nhóm hàng tiêu dùng, trong đó có những mặt hàng thuộc loại xa xỉ như ô tô siêu sang, điện thoại siêu đắt, thưa ông?
Thực tế cũng có việc đó. Những loại ô tô sang nhất, điện thoại sang nhất cũng đều đã có mặt ở Việt Nam. Có chiếc ô tô mà cả tiền mua và nộp thuế lên đến nhiều tỷ đồng. Nhập khẩu điện thoại di động mỗi năm cũng có thể lên tới hàng tỷ USD. Mấy tháng trước lượng ô tô nhập khẩu về ồ ạt, nhưng tôi cho rằng những tháng tới kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này sẽ giảm. Lý do là vì nhiều tổ chức, cá nhân tranh thủ nhập khẩu ô tô trong 6 tháng đầu năm, trước khi các quy định chặt chẽ hơn về nhập khẩu mặt hàng này (như phải là nhà nhập khẩu chính hãng, có hệ thống sửa chữa, bảo dưỡng…) được áp dụng, bên cạnh đó là việc điều chỉnh mức thuế.
- Hiện tại thuế suất đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu đã ở mức rất cao, vậy làm thế nào để ngăn bớt sự đổ bộ ồ ạt của các mặt hàng tiêu dùng đắt tiền, thưa ông?
Quan điểm của tôi là cũng không thể ngăn cấm việc nhập khẩu hàng tiêu dùng. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn và sử dụng hàng chất lượng cao, mẫu mã đẹp mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được. Tham gia vào WTO và nhiều hiệp định thương mại tự do khác, chúng ta phải tuân thủ quy tắc chung. Hiện nay chỉ có 4 mặt hàng ta được phép áp dụng hạn ngạch nhập khẩu, đó là muối, đường ăn, thuốc lá nguyên liệu và trứng gia cầm. Còn lại, nếu muốn điều tiết nhập khẩu phải sử dụng các biện pháp khác như thuế quan hoặc các tiêu chuẩn kỹ thuật. Và thuế quan cũng có khung của nó, không thể vượt trần.
Ô tô chẳng hạn, hiện biểu thuế đã ở mức cao, không tăng hơn được nữa, chỉ có giữ hoặc giảm theo lộ trình… Cho nên giải pháp chính cho vấn đề này trong thời gian tới là phải xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành khác để xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là đối với các mặt hàng nhạy cảm, có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như mỹ phẩm, rượu, thực phẩm… Việc quy định chỉ có 3 cửa khẩu được phép nhập khẩu những mặt hàng có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng này chính là một “rào cản kỹ thuật” hợp pháp, hợp lý.
Một nhiệm vụ hết sức quan trọng nữa là tăng cường tuyên truyền cho người tiêu dùng. Cần động viên tinh thần tự tôn dân tộc, làm cho cộng đồng người tiêu dùng hiểu được rằng, sử dụng hàng nội địa không chỉ góp phần giảm nhập siêu mà còn tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển, dần dần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nói một cách đơn giản, câu chuyện là thế này thôi: Chúng ta vẫn sẽ nhập cái gì cần nhập, những gì không thật sự cần thiết thì hạn chế, mà muốn vậy thì từng đơn vị, từng gia đình, từng người tiêu dùng phải cân nhắc, quyết định. Đấy chính là văn hóa và trách nhiệm tiêu dùng.
Anh Thư thực hiện