Chiều 23-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Kiểm soát đường đi hóa chất
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, xây dựng pháp luật theo hướng kiến tạo vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất. Cùng với đó, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.
Theo Bộ trưởng, luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài; đồng thời, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng tối đa công nghệ thông tin nhằm giảm bớt nguồn lực quản lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, không làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về phát triển công nghiệp hóa chất, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định, cần thiết phải xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ và khả thi để thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất. Bởi vì hóa chất ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của nền kinh tế, góp phần hướng tới nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu (ĐB), Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định, trong thời gian tới, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, làm rõ về mối quan hệ giữa chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất với hệ thống Quy hoạch quốc gia.
Đồng thời, luật làm rõ các đối tượng và chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách huy động các nguồn lực xã hội nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước có thể được hưởng ưu đãi.
Về quản lý hoạt động hóa chất, nhất là hóa chất độc hại, cần kiểm soát đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, dự thảo luật đã bổ sung các quy định quản lý các hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hóa chất với mức độ chặt chẽ khác nhau, bảo đảm phù hợp với từng danh mục hóa chất, an toàn trong hóa chất, sử dụng an toàn, bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, bổ sung biện pháp tiền kiểm đối với hoạt động nhập khẩu hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, thay vì việc doanh nghiệp chỉ cần thực hiện khai báo hóa chất tự động như hiện nay. Đồng thời, đề xuất tăng chế tài xử phạt các vi phạm để nâng cao mức răn đe.
Bên cạnh đó, dự luật bổ sung quy định về áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc kiểm soát hoạt động mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt nhằm giám sát toàn bộ đường đi của hóa chất từ nhà sản xuất, nhập khẩu đến người sử dụng cuối cùng.
Dự thảo luật cũng quy định bổ sung quy định tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cần kiểm soát đặc biệt phải đăng ký mục đích, nhu cầu sử dụng hóa chất trên cơ sở dữ liệu nhằm thiết lập hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác hậu kiểm nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc hóa chất bị sử dụng sai mục đích.
“Như vậy, so với Luật Hóa chất hiện hành, Luật Hóa chất (sửa đổi) đã đồng bộ hóa các quy định để siết chặt, tăng cường quản lý hoạt động hóa chất trong toàn bộ vòng đời, đặc biệt là đối với hóa chất cần kiểm soát đặc biệt; tăng cường phân cấp, phân quyền, chia sẻ cơ sở dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản lý ở Trung ương và địa phương”, Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình.
Đề nghị cấm sử dụng bóng cười
Thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến ĐB Quốc hội đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo tính khả thi và tránh chồng chéo trong quá trình áp dụng. Cũng như giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và tăng hiệu quả quản lý hóa chất trong thực tế.
Theo ĐB Nguyễn Tri Thức (TPHCM) cho rằng việc quy định hóa chất bao gồm cả phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, vitamin, khoáng chất sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và người sử dụng.
Ông nhấn mạnh, nếu các loại này được xác định là hóa chất, sẽ đồng thời chịu sự điều chỉnh của 2 luật: Luật An toàn thực phẩm và Luật Hóa chất (sửa đổi), dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý.
Để khắc phục, ĐB Nguyễn Tri Thức đề nghị cơ quan soạn thảo luật nghiên cứu kỹ để tránh tình trạng này.
Về quy định đưa hóa dược làm nguyên liệu thuốc và các chế phẩm bảo vệ sức khỏe vào phạm vi điều chỉnh của luật, ĐB Nguyễn Tri Thức cho rằng điều này chưa phù hợp.
Ông giải thích, bản chất của hóa dược và chế phẩm bảo vệ sức khỏe khác biệt so với hóa chất thông thường, và nếu đưa vào luật sẽ dẫn đến việc chịu sự điều chỉnh song song của Luật Hóa chất (sửa đổi) và Luật Dược.
Điều này không chỉ làm tăng điều kiện đầu tư, kinh doanh và trách nhiệm pháp lý cho doanh nghiệp mà không mang lại chính sách ưu đãi nào. Do đó, ông đề xuất loại bỏ các quy định này khỏi dự thảo luật.
ĐB Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh sự cần thiết của việc bổ sung quy định cấm hành vi sử dụng hóa chất sai mục đích, đặc biệt khi các hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Ông dẫn chứng tình trạng một số tổ chức, cá nhân sử dụng khí N2O để kinh doanh bóng cười tại các cơ sở giải trí như quán bar, karaoke, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.
Quy định này, theo ông, sẽ giúp ngăn chặn kịp thời những hành vi lạm dụng hóa chất vì mục đích sai trái.
Đối với hóa chất và chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng y tế, ĐB Nguyễn Tri Thức nhận định đây là những sản phẩm hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người.
Hiện nay, Bộ Y tế đang chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các hoạt động liên quan đến sản xuất, đóng gói, kiểm nghiệm, lưu hành, mua bán và xuất khẩu, nhập khẩu các chế phẩm này.
Tuy nhiên, dự thảo luật lại chưa đề cập đến nội dung quản lý này. Ông cho rằng, điều này không phù hợp với thực tế và tầm quan trọng của các sản phẩm này trong xử lý nguồn nước, vệ sinh khử khuẩn, phòng chống dịch bệnh.
Do đó, ông đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ trách nhiệm quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn.
Để giảm bớt các thủ tục hành chính, khó khăn cho các doanh nghiệp, ĐB Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) đề nghị, nên nghiên cứu bổ sung một điều khoản trong Luật Hóa chất cho phép doanh nghiệp tích hợp kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất vào các văn bản khác.
Trong đó như thiết kế phòng cháy chữa cháy, phương án chữa cháy hoặc trong phần về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Cùng với đó, cho phép tích hợp hoạt động huấn luyện về an toàn hóa chất trong các hoạt động huấn luyện an toàn khác.
Về khoảng cách an toàn, cần cân nhắc đến công trình hóa chất đang tồn tại gần các khu dân cư, không đảm bảo khoảng cách an toàn như quy định mới.