Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên: Nguồn cung không thiếu, nhưng lỗ thì ai dám làm

Có đến 7 bộ, ngành tham gia quản lý mặt hàng xăng dầu. Bên cạnh đó còn có cả việc doanh nghiệp xăng dầu bị vơi nguồn tiền do đầu tư thêm vào bất động sản và chứng khoán - Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết tại phiên thảo luận tại tổ ĐBQH TP Hải Phòng trong sáng 22-10.

 

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Phát biểu tại phiên họp tổ ĐBQH sáng 22-10 về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên (TP Hải Phòng) nêu ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn trong cung ứng xăng dầu thời gian qua. “Có đến 7 bộ, ngành tham gia quản lý mặt hàng xăng dầu. Bên cạnh đó còn có cả việc doanh nghiệp xăng dầu bị vơi nguồn tiền do đầu tư thêm vào bất động sản và chứng khoán", ông Diên cho biết.

Theo người đứng đầu ngành Công thương, đến ngày 30-9, lượng hàng xăng dầu dự trữ thương mại là hơn 2,55 triệu m3; năng lực sản xuất của 2 nhà máy lọc dầu trong tháng 10 đảm bảo 80% nguồn cung trong nước (1,7-1,75 triệu m3), tương đương 1,36 triệu m3. Như vậy, chúng ta đã có khoảng 2,6 triệu m3 xăng dầu. Thêm vào đó, 34 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trong tháng 10 khoảng 500.000 m3 xăng dầu. Tổng số có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu trong thời điểm cuối tháng 9, giữa tháng 10.

Bộ trưởng Diên khẳng định lượng hàng hóa này hoàn toàn đáp ứng nguồn cung trong nước tới gần hết tháng 11. "Nguồn cung không thiếu, nhưng doanh nghiệp phải mua giá cao, nhập giá cao kỳ trước, bán trong kỳ với giá thấp thì lỗ, mà đã lỗ thì ai dám làm", ông nói.

Trong khi đó, hàng loạt chi phí đã lỗi thời, từ lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng; chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về các kho bãi… đều bất cập, lạc hậu. Chi phí bảo quản xăng dầu từ năm 2013 chỉ có 30 đồng/lít nhưng hiện đã tăng lên 800 đồng/lít.

Bộ trưởng nói, việc quản lý và đảm bảo nguồn cung xăng dầu có tới 7 bộ, ngành và địa phương cùng chịu trách nhiệm. Bộ Công thương chỉ được giao đảm bảo nguồn cung xăng dầu ra thị trường, quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối tới thương nhân phân phối mà thôi. Chịu trách nhiệm về thuế, chi phí định mức, chi phí kinh doanh xăng dầu... trong giá xăng dầu là Bộ Tài chính; Bộ GTVT đảm bảo lưu thông mặt hàng này; quản lý chất lượng xăng dầu là Bộ Khoa học Công nghệ; quản lý môi trường là Bộ Tài nguyên Môi trường.

Trong hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện có 4 tầng nấc: doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối (đơn vị nhận hàng từ doanh nghiệp đầu mối), đại lý/tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ. Tổng đại lý/đại lý và cửa hàng bán lẻ có khoảng 17.000 cửa hàng, đây là hệ thống do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp, quản lý trực tiếp.

“Chúng tôi có nguồn, nhưng để phân phối được ngoài kiểm soát, điều phối doanh nghiệp đầu mối, phân phối thì cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương quản lý, kiểm soát và xử lý hệ thống đại lý/tổng đại lý ", ông Nguyễn Hồng Diên giãi bày.

Tuy nhiên, “vì sao không xảy ra việc đóng cửa các điểm bán xăng dầu trên phạm vi cả nước, mà chỉ tập trung ở TPHCM, miền Tây?", Bộ trưởng Diên đặt câu hỏi.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, khu vực này có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả. Tháng 8 vừa qua bắt được vụ sản xuất, buôn xăng dầu lậu hàng trăm triệu lít. Khi có lượng xăng trôi nổi như vậy, người kinh doanh không quan tâm tới chi phí định mức, chiết khấu cũng như không quan tâm chuyện mua hàng của đầu mối một cách ổn định. “Với việc siết chặt nguồn xăng dầu lậu, chỉ còn xăng dầu chính thống, trong khi nguồn cung thế giới thiếu, giá biến động nên chiết khấu thấp. Đang kiếm được nhiều tiền, giờ ít hơn, thậm chí lỗ thì không ai làm", Bộ trưởng Diên lý giải.

Đáng lưu ý, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, "cơn lốc" chứng khoán, bất động sản thời gian qua có tác động nhất định đến thị trường này. Một số doanh nghiệp làm xăng dầu có tham gia thị trrường bất động sản, chứng khoán nên khi những thị trường này èo uột, nguồn tiền của họ bị vơi đi. Đến kỳ nhập hàng, bối cảnh nhập cao, bán thấp, doanh nghiệp không có nguồn tiền nhập.

Về tín dụng, Bộ trưởng Công thương cho biết doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối hay đại lý khi kinh doanh lĩnh vực này đều được ngân hàng mở một hạn mức để vay. Hạn mức này được quy định từ trước khi giá xăng dầu chỉ 50-60 USD/thùng, nhưng giá hiện nay đã tăng 2 lần. Nhưng hạn mức tín dụng có hạn nên những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn, không làm ngoài ngành cũng không có tiền để nhập hàng. Người đứng đầu ngành Công thương cũng thừa nhận Nghị định 95 sửa đổi về kinh doanh xăng dầu đã có hiệu lực, nhưng vẫn bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu sửa đổi.

Tin cùng chuyên mục