Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, cho biết, quy hoạch Điện VIII xác định đến năm 2030 phải tăng gấp đôi công suất. Đến năm 2050, phải tăng gấp 5 lần công suất hiện nay.
“Nếu từ bây giờ không có luật và không có những cơ chế, chính sách cụ thể, chúng ta không thể thu hút được đầu tư. Giai đoạn từ nay đến năm 2030 là 14 - 16 tỷ USD/năm, nhưng từ sau năm 2030 phải cần từ 16 - 18 tỷ USD/năm mới bảo đảm an ninh năng lượng điện. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật tại một kỳ họp”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.
Bộ trưởng cho biết rất lo rằng luật này không được thông qua, bởi nếu không có chính sách thì không có đầu tư, không có đầu tư sẽ không có điện, không có điện thì không có gì hết, điện phải đi trước một bước.
Bộ trưởng cho biết thêm, hiện nay, theo xu thế chung và với cam kết của chúng ta là đạt trung hòa carbon vào năm 2050, nên năng lượng tái tạo và những nguồn năng lượng mới phải phát triển rất mạnh. Trong khi đó, năng lượng tái tạo chưa có quy định một cách cụ thể trong luật hiện hành, “nên nếu chúng ta không có quy định thì rất gay”.
Hay vấn đề năng lượng mới, trong đó có hydrogen, amoniac xanh, thậm chí là điện hạt nhân. Bằng chứng là chúng ta đã công bố quy hoạch điện VIII từ gần 1,5 năm nay, nhưng đến giờ này, không có một nhà đầu tư mới nào đề xuất dự án cả, là do không có những quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chính sách. Trong khi chỉ còn 5,5 năm nữa, chúng ta phải tăng gấp 2 lần tổng công suất các nguồn điện.
“Hàng trăm năm nay chúng ta chỉ có 80.000 MW, mà trong 5,5 năm nữa, chúng ta phải đạt tổng công suất các nguồn điện lên tới 150.524 MW. Nếu không kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi thì chắc chắn không có nhà đầu tư vào, mà không có nhà đầu tư vào thì chúng ta không thể nào đáp ứng được nhu cầu năng lượng cho đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, nhiệm vụ đặt ra yêu cầu cấp bách là phải có cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ, khả thi mới thu hút được các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước cho phát triển các nguồn và lưới điện. Đặc biệt là điện từ năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch hay lưới điện truyền tải liên miền.
Hiện nay, chúng ta đã có cơ chế cho thu hút đầu tư vào hệ thống lưới điện, dự thảo lần này cơ bản mở cánh cửa cho các nhà đầu tư đầu tư về hệ thống truyền tải. Tuy nhiên, để bảo đảm vấn đề an ninh năng lượng quốc gia thì chính sách phải phù hợp, đơn cử với điện gió ngoài khơi, ở các nước phát triển rất mạnh, nhưng Việt Nam ở một vị trí địa chính trị, địa quốc phòng rất đặc biệt, do đó không thể phát triển một cách ồ ạt, mà phải có lựa chọn, có những quy định chặt chẽ.
Về vấn đề điện hạt nhân, Bộ trưởng nhấn mạnh, điện hạt nhân và những nguồn năng lượng mới trong tương lai dứt khoát phải có, nhưng để có trên thực tiễn thì ngay từ bây giờ trong luật phải được đề cập. Những gì quy định được rõ trong luật thì quy định, nếu chưa rõ thì trao quyền đó cho Chính phủ và Chính phủ chỉ đạo, quy định và có những bước đi cụ thể, như vậy thì sau 10 năm chúng ta mới có những dự án điện hạt nhân.
“Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, trước đây chúng ta mới tạm dừng, chưa phải hủy bỏ, đến bây giờ cấp có thẩm quyền đã cho phép nghiên cứu để khởi động lại, do đó phải đề cập trong luật lần này. “Ít nhất phải nêu một điều rằng nguồn điện đó, loại hình năng lượng đó được phép phát triển, còn những bước đi cụ thể sẽ giao cho Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.