Ngày 26-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 và một số báo cáo khác.
Thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Đại biểu Quốc hội (ĐB) Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, qua báo cáo cho thấy tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm 2024 có diễn biến phức tạp hơn so với năm 2023.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh nhận xét, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 chưa đưa ra các đề xuất, kiến nghị cụ thể về việc hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Do vậy, đề nghị Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu và đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh cũng chỉ ra một trong những khó khăn lớn hiện nay trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng và chức vụ là một số đối tượng sau khi phạm tội đã trốn ra nước ngoài, khiến việc truy bắt các đối tượng này trở nên chưa hiệu quả.
Theo ĐB, nguyên nhân một phần là do Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới chưa ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, gây cản trở trong việc phối hợp xử lý. Tuy nhiên, vấn đề ký kết hiệp định tương trợ tư pháp cũng như cách thức thúc đẩy quá trình này lại chưa được báo cáo của Chính phủ làm rõ và cụ thể hóa.
Đồng thời, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh chỉ ra rằng, Chính phủ chưa tiến hành tổng kết việc triển khai thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký với các quốc gia khác.
Theo ĐB, việc tổng kết này là cần thiết để từ đó đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác truy bắt các đối tượng tham nhũng đang lẩn trốn ở nước ngoài.
Do vậy, đề nghị Chính phủ cần quan tâm và tập trung vào nội dung này trong thời gian tới, nhằm khắc phục những bất cập và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm.
Giải trình ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định, lực lượng công an và các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã và đang tích cực tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy việc ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp liên quan đến chuyển giao và dẫn độ tội phạm.
Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, trong thời gian qua, lực lượng công an đã phối hợp bắt giữ, xử lý và dẫn độ thành công nhiều đối tượng phạm tội lẩn trốn ở nước ngoài.
Theo Bộ trưởng, đã có những quốc gia trước đây chưa từng hợp tác về dẫn độ nhưng nay đã bắt đầu phối hợp để đưa các đối tượng phạm tội về Việt Nam xử lý theo pháp luật. Đây là một bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm.
Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ đàm phán và ký kết thêm các hiệp định song phương hoặc đa phương giữa các chính phủ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt trong việc dẫn độ và xử lý các đối tượng phạm tội lẩn trốn ở nước ngoài.
Xử lý nghiêm người chủ mưu tham nhũng
Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh, thời gian qua đã xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, lãng phí, tiêu cực và Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi chỉ đạo và các vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội.
Tòa án các cấp đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước và có sự phân hóa các đối tượng trong vụ án đảm bảo vừa xử lý nghiêm minh, vừa nhân văn, thuyết phục, đúng quy định pháp luật.