Nhận định về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông năm 2019, trong phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 12-9, người đứng đầu ngành công an cho biết, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông; chỉ đạo triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phát hiện, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm liên quan đến thanh toán thẻ, thanh toán điện tử; tội phạm cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet; các băng nhóm tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam.
Cơ quan chức năng đã phát hiện 287 vụ, 437 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông, tin học; khởi tố 127 vụ, 258 bị can.
Qua đấu tranh cho thấy, tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại lớn. Hành vi ngày càng đa dạng, gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về kinh tế; tình trạng tội phạm sử dụng mạng viễn thông, Internet để lừa đảo; đánh bạc, tổ chức đánh bạc với quy mô lớn xảy ra tại nhiều địa phương. Đặc biệt, tình trạng người nước ngoài lợi dụng địa bàn Việt Nam để phạm tội sử dụng công nghệ cao (lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng...) có chiều hướng gia tăng.
Đáng lưu ý là tình trạng phạm tội, vi phạm về công nghệ cao có liên quan chặt chẽ đến loại tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Trong kỳ báo cáo, các lực lượng chức năng phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ. Tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xu hướng lợi dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả diễn ra ở mức độ “nghiêm trọng”.
Vẫn theo Bộ trưởng Tô Lâm, tình trạng lợi dụng triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, triển khai thực hiện các dự án, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tài sản nhà nước vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp... Tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; lĩnh vực thuế, hải quan; lĩnh vực đầu tư, xây dựng; lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; lĩnh vực công thương; lĩnh vực y tế; lĩnh vực giáo dục; lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch... còn diễn ra phức tạp.