Sáng 10-8, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Công an.
Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Siu Hương (Gia Lai) nhận định, tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân hiện nay là đáng báo động và đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp. Cùng mối quan tâm, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) chất vấn: “Mặc dù thời gian qua công an các địa phương đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội, song vẫn còn rất nhiều đối tượng đang hoạt động và chưa bị phát hiện, xử lý. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết những giải pháp mà Bộ sẽ triển khai trong thời gian tới để người dân an tâm rằng thông tin cá nhân của mình sẽ không bị trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội”?
Thừa nhận tình trạng này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết thêm, việc lộ, lọt thông tin cá nhân hiện nay có một phần do ý thức người dân chưa cao.
“Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, sẽ ban hành ngày một ngày hai; đồng thời về lâu dài sẽ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân”, người đứng đầu Bộ Công an cho biết. Trên thế giới, nhiều nước đã có luật tương đương.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công an cho biết sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân khi tham gia môi trường mạng; tích cực điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân. "Chúng tôi đang điều tra vụ việc đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân", Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.
Trước đó, trong báo cáo gửi đến Quốc hội phục vụ phiên chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, chỉ trong 2 năm từ năm 2019 đến năm 2020, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300 GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.
Tăng cường đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu, độc trên nền tảng mạng là vấn đề được ĐB Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) đặt ra cho Bộ trưởng Tô Lâm.
Nữ ĐB nhấn mạnh, hiện nay thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, các thế lực thù địch đăng tải nhiều thông tin bịa đặt, mạo danh các cơ quan nhà nước, các cá nhân lãnh đạo Đảng và Nhà nước tung tin với những nội dung không đúng sự thật, chưa được kiểm duyệt, gây hoang mang trong đảng viên và quần chúng nhân dân. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để tăng cường đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hiệu quả đối tượng tội phạm này” – ĐB chất vấn.
Trả lời ĐB Uyên, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội.
Trước tình hình đó, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ TT-TT triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam; qua đó kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội. Bộ cũng đã đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh với những hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội, hành vi xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước; đồng thời tuyên truyền cảnh báo định hướng dư luận; chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật.