Chiều 13-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Nhiều ý kiến của đại biểu (ĐB) Quốc hội đồng tình chương trình có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự của quốc gia, bởi tội phạm ma túy là tội phạm có tính chất xuyên quốc gia và có tính đặc biệt nghiêm trọng, độ liều lĩnh, bất chấp cao.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, về kinh phí cho chương trình thì không nên cào bằng cho các địa phương. Những địa phương nào có tình hình phức tạp về ma túy thì phải tăng cường đầu tư phòng, chống ma túy.
Phân tích mối quan hệ cung cầu ma túy, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, cần phải tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm ma túy, nhất là tội phạm mua bán ma túy, trồng cần sa, thuốc phiện...
Góp ý thêm, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng đề nghị bổ sung vai trò của tuyến y tế cơ sở trong việc đấu tranh, phòng chống ma túy tại các địa bàn cơ sở.
Giải trình một số nội dung, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của chương trình tập trung vào 3 mục tiêu cụ thể là giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy.
Trên cơ sở tổng kết và đánh giá kết quả đã đạt được trong các giai đoạn trước, chương trình được xây dựng nhằm xác định các mục tiêu và chỉ tiêu sát với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, đồng thời bảo đảm tính khả thi về nguồn lực.
Quá trình xây dựng chương trình đã được rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo các nhiệm vụ và nội dung đầu tư không trùng lặp với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội khác hiện đang triển khai.
Bộ trưởng cho biết, thiết kế chương trình với hướng ưu tiên đầu tư trực tiếp cho các cơ sở, nhằm chủ động triển khai công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy từ sớm, từ xa. Điều này giúp các cơ quan chức năng có cơ sở để đạt hiệu quả tối ưu trong việc giảm cung, giảm cầu, và giảm tác hại, góp phần bảo vệ sự bình yên cho người dân và các tổ chức.
Về mục tiêu cụ thể của chương trình, một số ĐB đã bày tỏ lo ngại về các chỉ tiêu đề ra có tính tuyệt đối và khó khả thi. Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, bộ đã tiến hành nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng các chỉ tiêu này và nhận thấy rằng hoàn toàn mang tính khả thi.
Ví dụ, chỉ tiêu về việc phát hiện và triệt phá các tụ điểm ma túy là một nhiệm vụ được giao cụ thể cho lực lượng công an với yêu cầu thực hiện trong thời gian 90 ngày từ khi phát hiện. Đây là trách nhiệm của lực lượng quản lý địa bàn và được coi là chỉ tiêu bắt buộc để đảm bảo tính hiệu quả.
Ngoài ra, chỉ tiêu như 90% người nghiện ma túy sau cai nghiện được hỗ trợ về kinh tế và tâm lý cũng đã được xem xét và đánh giá khả thi. Bộ trưởng Bộ Công an cam kết phối hợp với các bộ, ngành để rà soát và đề xuất bố trí nguồn lực một cách tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải.
"Để đảm bảo tính linh hoạt trong huy động và bố trí nguồn lực, Chính phủ và các cơ quan sẽ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương, báo cáo Quốc hội khi cần thiết để đảm bảo chương trình được triển khai hiệu quả. Chúng tôi cũng tiếp thu ý kiến về việc bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện", Bộ trưởng Bộ Công an thông tin.