Tình hình TT, ATGTĐB trong những năm qua có chuyển biến nhưng còn diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.
Theo thống kê, trung bình hàng năm có gần 9.000 người chết, gần 30.000 người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. An ninh con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm.
Một trong những nguyên nhân chính là nhiều quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện giao thông và tình hình TT, ATGTĐB ở Việt Nam.
Quốc hội sáng 10-11 |
Do đó, cơ quan soạn thảo đã chuyển các quy định về phương tiện giao thông và một số điều quy định trong chương vận tải đường bộ có nội dung liên quan TT, ATGT từ dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo luật này.
Dự thảo luật dành 11 điều quy định về: Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; đào tạo lái xe; sát hạch lái xe...
Dự thảo luật bổ sung một số quy định mới phù hợp xu hướng, tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân. Theo đó, đối với một trong các giấy tờ: Giấy phép lái xe, chứng nhận đăng ký xe, chứng nhận kiểm định, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo.
Dự thảo luật không phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe như Luật GTĐB 2008, chỉ quy định nguyên tắc phân hạng giấy phép lái xe để bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, chuyển một số điều luật trong chương vận tải đường bộ liên quan bảo đảm trật tự, an toàn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông từ dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật TT, ATGTĐB…
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày các báo cáo thẩm tra dự án luật, sáng 10-11 Ảnh: QUANG PHÚC |
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật TT, ATGTĐB cho biết, ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật TT, ATGTĐB.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Một số ý kiến khác nhất trí quy định này, vì thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm; khi có điều kiện mà cố ý không cấp cứu, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn giao thông…
“Đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu cho phù hợp; tiếp tục rà soát, sắp xếp các quy định cấm để bảo đảm tính thống nhất, logic, tránh trùng lặp với các quy định khác trong dự thảo luật hoặc trùng lặp với quy định của các luật chuyên ngành khác”, ông Lê Tấn Tới nói.
Về phương tiện tham gia giao thông đường bộ, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện “có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định”, vì cho rằng việc áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới là rộng và khó bảo đảm tính khả thi.
Về sát hạch giấy phép lái xe, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quản lý nhà nước sau sát hạch giấy phép lái xe. Đồng thời, bổ sung quy định về kiểm tra bất thường đối với công tác đào tạo, sát hạch cấp bằng, phúc tra kết quả sát hạch, cấp giấy phép lái xe để đảm bảo chặt chẽ.