Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 17-3, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật Căn cước công dân (CCCD), đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền trẻ em, quyền của người yếu thế.
“Luật CCCD đã thi hành gần 7 năm, trong thời gian đó có rất nhiều chỉ đạo nhằm phục vụ nhân dân. Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương đề ra mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ dân số Việt Nam được quản lý trong hệ thống dân cư quốc gia thống nhất, đây là chỉ đạo rất quan trọng. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị cũng xác định xây dựng phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng quốc gia đồng bộ trong hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng đồng bộ, thống nhất. Đến nay đã giữa nhiệm kỳ, đến năm 2030 chỉ còn ít năm nữa, cơ sở này nếu không hoàn thành sớm thì rất khó đạt mục tiêu”, Bộ trưởng Tô Lâm lo lắng.
Giải thích thêm về đề xuất cấp CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đã làm việc với Bộ GD-ĐT và nhận định, việc này phục vụ rất tốt cho các kỳ thi cũng như các nhu cầu chính đáng khác của trẻ em như đi máy bay, sử dụng điện thoại...
“Ở nhiều nước, trẻ em mới sinh ra được cấp hộ chiếu ngay. ASEAN có xu hướng thống nhất các loại giấy tờ, theo đó có CCCD có thể không cần hộ chiếu. Nếu các quốc gia thống nhất thì công dân Việt Nam cũng có thể đi lại các nước ASEAN bằng CCCD”, Bộ trưởng Tô Lâm cung cấp thông tin.
Ông cũng cho biết, nếu đề xuất được Quốc hội thông qua, thì CCCD của trẻ em cũng sẽ không làm theo thời hạn như người lớn. Do đặc trưng phát triển của trẻ em thì 5 năm phải thay đổi một lần, trong hệ thống được quản lý đồng bộ thì không sợ có sự cố. Mục tiêu là 100% nhân dân giao dịch được trên môi trường điện tử. Theo Bộ trưởng, xét về mặt kinh tế - xã hội cũng rất thuận lợi, nếu mọi người dân, kể cả trẻ em, đều có CCCD.
“Việc trẻ dưới 14 tuổi được cấp CCCD, tôi cho là phải thảo luận rất kỹ, gắn với đời sống thực tế. Nếu làm thì công tác quản lý sẽ vô cùng tiện lợi. Chúng ta không nên để lỡ cơ hội này, không để có khoảng trống trong quản trị xã hội”, người đứng đầu ngành công an nhấn mạnh.
Trước đó, qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về việc cấp thẻ CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị cân nhắc, do đây là độ tuổi trẻ em phát triển thể chất, thay đổi nhanh về ngoại hình, khuôn mặt nên thông tin nhân dạng nếu không được cập nhật thường xuyên sẽ thiếu chính xác.
Phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự, nhất là các giao dịch đòi hỏi phải có thẻ CCCD; hồ sơ đề nghị chưa làm rõ, đánh giá đầy đủ về nhu cầu cấp CCCD của lứa tuổi này, trong khi việc cấp thẻ cho dù là theo yêu cầu tự nguyện nhưng vẫn phát sinh kinh phí sản xuất thẻ và chi phí khác cho cả công dân và cơ quan nhà nước, gây tốn kém.
Cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn về đặc điểm nhận dạng của trẻ em dưới 14 tuổi để ghi nhận trong thẻ CCCD; xác định cụ thể lộ trình thực hiện theo từng lứa tuổi nhất định để bảo đảm tính khả thi.