Song song đó, qua kiểm toán, phát hiện 720 trường hợp khác vừa có việc làm vừa nhận trợ cấp thất nghiệp từ các năm 2012, 2013, với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Hiện cơ quan chức năng đang… đi đòi lại số tiền trên.
Vừa làm việc, vừa… thất nghiệp
Ngay sau khi nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị Đ.T.H.Tr. (26 tuổi, Công ty TNHH Industrielle Beteiligung) có việc làm mới. Tuy nhiên, chị Tr. không thông báo cho Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM (nơi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp) về tin vui này để nhận lại hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp. Đến khi chị Tr. đi làm, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ở nơi làm việc mới, BHXH TPHCM mới phát hiện ra thời gian gián đoạn công việc của chị Tr. rất ngắn - chưa đến 15 ngày. Việc chi trả trợ cấp dừng lại và BHXH TPHCM đưa ra yêu cầu thu hồi số tiền 6,3 triệu đồng trợ cấp thất nghiệp chị Tr. đã lãnh. Trường hợp anh T.A.Q. (41 tuổi, Công ty cổ phần Phát triển và cung ứng nhân lực Á Châu) còn không hề gián đoạn công việc, song vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp 7,2 triệu đồng. Thời gian đóng BHXH bắt buộc của anh Q. đồng thời với thời gian anh hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đó là 2 trong nhiều trường hợp vừa làm việc, vừa nhận trợ cấp thất nghiệp. Nhiều trường hợp khác, người lao động quên hoặc cố tình giấu, không thông báo tình trạng có việc làm và cơ quan chức năng cũng không phát hiện ra ngay. Mọi việc chỉ phát lộ khi người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm, trợ cấp lần nữa. Mới đây, trong lần đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp lần 2, chị Đ.T.H. (51 tuổi, Công ty cổ phần Chế biến nông sản xuất khẩu Sài Gòn - Việt Hưng) bị phát hiện trước đó (lần 1) đã nhận gần 7 triệu đồng không đúng quy định.
Đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp ở Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM
Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa thu hồi đủ tổng số tiền 10 tỷ đồng của 720 trường hợp nhận trợ cấp thất nghiệp sai quy định nói trên. Trong số này, nhiều người đã nhận trợ cấp với số tiền “khủng”: anh Nguyễn Trần Huân (ngụ phường 7, quận 8) lãnh 67 triệu đồng, chị Vũ Thị Hải Liên (phường 22, quận Bình Thạnh) 73,5 triệu đồng, anh Phan Nam Trân (phường 16, quận Gò Vấp) và chị Nguyễn Thị Vinh Hoa (phường Tân Phú, quận 7) lãnh mỗi người 75,6 triệu đồng… Sau nhiều năm ròng rã đòi, đến nay cơ quan chức năng mới thu hồi được 5,7 tỷ đồng của 424 người. Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đã “bêu tên” trên website Cổng thông tin việc làm TPHCM tên và địa chỉ của 511 người lao động cố tình lờ việc nộp lại trợ cấp thất nghiệp đã nhận sai quy định. Đồng thời, trụ sở 8 điểm, chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp ở các quận, huyện của TPHCM cũng “bêu tên” gần 250 người vi phạm điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thiếu công cụ thu hồi tiền ngay
Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, trong 7 tháng đầu năm, TPHCM có 85.000 người đăng ký thất nghiệp, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Nếu người lao động có việc làm mới, thì theo quy định sẽ chấm dứt ngay hưởng trợ cấp thất nghiệp; số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp còn lại sẽ được bảo lưu. Tuy nhiên, nhiều người lao động vừa có việc làm mới, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp, mà không tự động khai báo. Theo ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, trung tâm cũng không biết và không có công cụ để nhận biết ngay những người lao động đã có việc làm mới ở doanh nghiệp nào. Những trường hợp gian lận chỉ được nhận biết khi họ làm việc chính thức, đóng BHXH ở nơi làm việc mới. Song khi đó, rất nhiều trường hợp đã “ăn gian” được vài tháng tiền trợ cấp thất nghiệp rồi.
Ông Trần Dũng Hà, Trưởng phòng Chế độ (BHXH TPHCM), phân tích: Thời gian thử việc được xem là có việc mới. Nếu sau thời gian thử việc, người lao động được ký hợp đồng làm việc chính thức, có lồng ghép thời gian thử việc, thì thời gian thử việc trước đó phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Và lúc này, doanh nghiệp phải truy đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời gian thử việc. Việc này vô tình dẫn tới trạng huống người lao động “gian lận”, vừa đóng bảo hiểm (có việc làm mới), vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
“Hơn nữa, cách tính hưởng trợ cấp thất nghiệp là theo ngày (ví dụ từ ngày 25-3 đến ngày 25-7), còn thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp lại tính theo tháng (ví dụ có việc làm mới từ ngày 24-7 và đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp luôn tháng 7), nên xảy ra tình trạng trùng lắp vừa đóng vừa hưởng. Như thế, khả năng phải thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp là rất cao”, ông Trần Dũng Hà đánh giá.
Cũng theo ông Hà, người lao động và doanh nghiệp còn cố tình lách luật bằng cách sau thời gian thử việc, ký hợp đồng làm việc mới hoàn toàn, không tính đến thời gian thử việc. Điều đó đồng nghĩa, có một giai đoạn người lao động vẫn “âm thầm” vừa nhận lương vừa nhận trợ cấp thất nghiệp; doanh nghiệp “trốn” đóng BHXH mấy tháng, còn cơ quan chức năng tuy biết vậy song… không làm gì được, cả với doanh nghiệp và người lao động!
Theo Điều 27 Nghị định 88/2015, nếu người lao động kê khai không đúng sự thật khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, không thông báo có việc làm mới khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng, bị thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp đã nhận và không được bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Quy định là vậy, nhưng đến nay gần như không xử phạt được người lao động nào, thậm chí có mời nhưng người lao động cũng không đến nhận quyết định xử phạt. “Chưa có quy định pháp luật nào xử lý được tình trạng này”, ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM, nhận xét. Để khắc phục việc trục lợi trợ cấp thất nghiệp, theo ông Trần Dũng Hà, cần phải có quy định chặt chẽ, sớm “vá” các lỗ hổng pháp lý và có sự phối hợp giữa các tỉnh, thành trong kiểm soát tình trạng người lao động có việc làm mới, cũng như thu hồi tiền trợ cấp hưởng sai. Nếu cứ làm thủ công như hiện nay thì không bao giờ xử lý triệt để được tình trạng trục lợi trợ cấp thất nghiệp.