Trước đó, cùng thời điểm này năm 2017, Báo SGGP đã từng phản ánh vụ việc tương tự như thế về Golux. Rõ ràng, việc xử lý dứt điểm các công ty du lịch làm ăn chụp giựt, mà điển hình là Golux với kiểu “tay không bắt giặc”, đang là bài toán nan giải hiện nay.
Tính đến chiều 16-8, hàng chục khách hàng cho biết họ vẫn chưa được Golux hoàn tiền mua tour đóng từ nhiều tháng trước.
Theo anh Nguyễn Thành Nam (ngụ tại quận 2), anh cùng 11 người đã đóng tổng cộng 966 triệu đồng, bao gồm 600 triệu đồng thế chân cho tour đi Mỹ khoảng 1 tuần. Tương tự, tối cùng ngày, đại diện gia đình một khách hàng phản ánh đã đóng tour cho 9 người với số tiền 84,5 triệu đồng, nhưng chỉ nhận được lời hứa từ Golux chứ chưa nhận lại được tiền.
Theo lý giải của phía Golux, công ty đã chuyển tiền cho đối tác, nhưng trong kinh doanh có nhiều rủi ro nên không lường trước được và… mong khách thông cảm.
Trao đổi với Báo SGGP, ông Nguyễn Minh Lý, Chánh Thanh tra Sở Du lịch TP, cho biết trước đó công ty này đã bị Thanh tra Sở Du lịch phạt hành chính 45 triệu đồng vì kinh doanh lữ hành quốc tế không có giấy phép. Hiện sở đang phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật.
Chuyên gia du lịch Nguyễn Minh Mẫn cho rằng, thị trường du lịch đã phát triển ở tầm vóc mới và người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn. Nhìn chung, các hãng lữ hành cũng đang chọn hướng riêng bằng cách khai thác tour - tuyến mới, sản phẩm mới để đáp ứng những đối tượng khách hàng chuyên biệt, thay vì “đua theo” tour giá rẻ. Đã có nhiều hãng lữ hành định vị tên tuổi ở những phân khúc này. Rất khó đòi hỏi của ngon giá rẻ, vì người xưa có câu “tiền nào của đó”. Khách hàng nên chọn các thương hiệu uy tín, tham khảo lộ trình tour kỹ càng, tránh kiểu cưỡi ngựa xem hoa để rồi vô tình phải trả giá quá đắt.