Hiện các hãng hàng không đang phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp. Đây là các khoản phí (giá dịch vụ) được quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, không phải là khoản phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.
Theo quy định pháp luật phí và lệ phí, các chuyến bay của Việt Nam cất, hạ cánh tại sân bay trong nước chỉ phải nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay (theo Thông tư số 247/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính) với mức phí: 165.000 đồng/lượt/dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và 335.000 đồng/lượt/dịch vụ kinh doanh cảng hàng không.
Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, theo các quy định pháp luật hiện hành, Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng; các hãng hàng không tự quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT.
Theo thẩm quyền, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.
Đồng thời, Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa do Bộ GTVT định giá tối đa. Giá vé máy bay hiện đang được thực hiện theo Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT do Bộ GTVT ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-3-2024.
Như vậy, việc quản lý nhà nước về giá và ban hành quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.