
Theo Thứ trưởng, về vấn đề tiền số, Bộ Tài chính được giao trách nhiệm hoàn thiện khung khổ pháp lý để xử lý các loại tài sản mã hóa, tiền mã hóa… Bộ đã phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu thực trạng, kinh nghiệm quốc tế trong quản lý. Theo đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị với Chính phủ thừa nhận sự tồn tại, tiềm năng của tài sản số. Đây là quan điểm rất quan trọng. Ngay trong tháng 3, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản mã hóa.
Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện việc này với quan điểm, nguyên tắc là triển khai thận trọng, có lộ trình, phù hợp thực tiễn, bảo đảm an toàn, minh bạch, hiệu quả; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia thị trường mã hóa. Việc triển khai này sẽ thực hiện thí điểm trên thị trường giao dịch và phát hành tài sản mã hóa, hứa hẹn sẽ mở ra một kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp bên cạnh tài sản tài chính truyền thống.
Cũng theo Thứ trưởng, việc triển khai thí điểm cần tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của các quốc gia mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường tài sản mã hóa. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ để gửi lấy ý kiến các bộ ngành. Bộ sẽ hoàn thiện lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Hiện nay, bộ đang tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến để hoàn thiện nghị quyết trước khi báo cáo Chính phủ.