Theo đó, về trị giá vốn vay Nhật Bản trong tổng mức đầu tư điều chỉnh, Bộ Tài chính đề nghị UBND TPHCM xác định rõ tổng mức đầu tư được duyệt là bằng VND hay JPY, căn cứ xác định, tỷ giá quy đổi; trên cơ sở đó làm rõ cơ cấu vốn vay, vốn đối ứng phù hợp theo chế độ quy định.
Đối với phần vốn vay, trên cơ sở xác định tổng nhu cầu vốn vay (điều chỉnh), giá trị vốn vay các hiệp định đã ký kết, để xác định nhu cầu cần vay thêm (nếu có). Trường hợp cần vay thêm, đề nghị TPHCM có đề xuất gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Đối với nguồn vốn Ngân sách Trung ương cấp phát bổ sung có mục tiêu cho UBND TPHCM, căn cứ vào nguyên tắc xác định vốn cấp phát (từ nguồn vốn vay) đề nghị Bộ KH-ĐT rà soát, cân đối vốn phù hợp.
Đối với nguồn vốn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, đề nghị UBND TPHCM đánh giá khả năng vay, trả nợ, khả năng cân đối nguồn này trong kế hoạch đầu tư công của TP. Đối với nguồn vốn đối ứng, đề nghị UBND TPHCM thu xếp phần vốn đối ứng cho dự án theo quy định.
Về biện pháp quản lý, đề nghị UBND TPHCM dự kiến mức dư nợ của từng năm giai đoạn 2021-2025, đảm bảo mức dư nợ trong hạn mức cho phép. Trường hợp mức dư nợ vuợt quá mức cho phép, đề nghị TP giảm vay, tăng bố trí vốn đối ứng trong nước.
Đối với dự toán năm 2020, trên cơ sở dự toán của TPHCM, Bộ Tài chính đã tổng hợp và đang trình cấp có thẩm quyền bố trí cho TP vay lại để thực hiện dự án xây dựng đường sắt đô thị TPHCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên là 11.254,74 tỷ đồng.
Về quy trình thủ tục, Bộ Tài chính đề nghị UBND TPHCM rà soát các quy trình thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định tại khoản 23 điều 1 Nghị định 132/2018/NĐ-CP ngày 1-10-2018 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 16/2016/NĐ-CP trong quản lý, sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu, tổng hợp.