Bộ Tài chính đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công

Ngày 21-5, thông cáo phát đi, Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024.

Theo Bộ Tài chính, năm 2024, các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn là hơn 24.172 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công là gần 9.500 tỷ đồng (53/63 địa phương), vốn vay lại là gần 15.000 tỷ đồng (51/63 địa phương).

Tuy nhiên, đến nay tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của một số địa phương vẫn chậm. Tính đến 15-5-2024, mới có 5/53 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%, vẫn còn 28/53 địa phương chưa giải ngân vốn từ ngân sách Trung ương cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

dautucong.jpg
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, 5 tháng đầu năm 2024, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của nhiều địa phương đang diễn ra rất chậm. Ảnh minh họa

Qua quá trình làm việc với các địa phương, các dự án và theo dõi số liệu giải ngân của các dự án, Bộ Tài chính thấy nổi lên 3 nhóm vướng mắc chính dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm: vướng mắc trong khâu điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, sử dụng vốn dư; vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện và giải ngân như trong khâu đấu thầu hoặc hợp đồng thương mại, về giải phóng mặt bằng; vướng mắc do thiếu kế hoạch vốn.

Từ những vướng mắc trên, Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân như cần đảm bảo thời gian xử lý đơn rút vốn đúng quy định, tổ chức các đoàn trực tiếp làm việc, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các địa phương được giao nhiều kế hoạch vốn.

Về phía Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính đề nghị cần hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ, thủ tục trong việc gia hạn thời gian bố trí vốn để tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn rõ ràng hơn cho các địa phương về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án đối với các dự án.

Đối với các địa phương, cần tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, đặc biệt lưu ý các dự án có năm lập kế hoạch là năm giải ngân cuối cùng để đảm bảo đủ vốn cho các dự án, tránh việc phải gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, phát sinh nhiều thủ tục hành chính.

Tin cùng chuyên mục