Alexandra Sipa tốt nghiệp thời trang từ trường đại học nghệ thuật danh tiếng của London, Central Saint Martins, đã được truyền cảm hứng để bắt đầu dự án sau khi bộ sạc điện thoại của cô bị hỏng. Cô gái 23 tuổi quyết định lấy dây điện bị vứt bỏ từ một trung tâm tái chế và công trường xây dựng làm các loại ren thủ công. Sinh ra và lớn lên ở Bucharest, Romania, Sipa đã kết hợp các kỹ thuật đan Romania truyền thống vào quy trình sáng tạo của mình và đặt tên cho dự án là Ngụy trang kiểu Romania.
Sipa giải thích: “Bộ sưu tập được thúc đẩy bởi động lực tạo ra hàng xa xỉ từ chất thải. Tôi đã sử dụng dây điện để phát triển hàng may mặc và phụ kiện bằng cách lai nhiều kỹ thuật làm ren, cả kỹ thuật Romania truyền thống và kỹ thuật phương Tây phổ biến”. Đến nay, Sipa đã tạo ra một chiếc váy, áo khoác ruffle, áo vest, túi xách, một loạt các phụ kiện và dự định mở rộng bộ sưu tập này sau thời gian phong tỏa vì dịch Covid-19, khi cô có thể tìm thêm nguồn tài chính và nguyên liệu.
Đối với Sipa, điều quan trọng là công việc này có nguồn gốc từ lịch sử, đó là lý do tại sao kỹ thuật ren cổ truyền Romania đóng một vai trò quan trọng. Về mặt khái niệm, bộ sưu tập được sáng tạo bởi sự tương phản giữa khắc khổ và nữ tính. Ở góc độ cá nhân, Sipa bị lôi cuốn vào việc tận dụng đồ phế thải để sáng tạo sau khi xem cách bà của cô sử dụng bất cứ thứ gì để trang trí nhà của mình.
Sử dụng dây điện phế thải còn mang thông điệp môi trường: “Rác thải đang trở thành một vấn đề toàn cầu. Nguồn phế thải phát triển nhanh nhất là từ điện tử, dự kiến đạt 50 triệu tấn trên toàn thế giới năm 2020”, Sipa cho biết. Cô cũng nhận thức rõ thời trang là một ngành công nghiệp và hy vọng các dự án như bộ sưu tập của cô có thể giúp thay đổi môi trường tích cực. Cô nói: “Thật không may là thời trang - ngành công nghiệp mà tôi yêu thích từ khi còn trẻ, thường là một trong những kẻ phạm tội tồi tệ nhất liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu”.
Ngành công nghiệp thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới. Báo cáo mới công bố về ngành thời trang cho thấy, gần 150 triệu tấn quần áo sẽ được đưa vào bãi rác vào năm 2050. Thời trang cần phải bắt nguồn từ ý tưởng về một nền kinh tế tuần hoàn, nơi các vật liệu được tái sử dụng. Thời trang cần phải trở nên bền vững hơn từ trong ra ngoài, không chỉ về vật liệu được sử dụng mà còn về đạo đức trong ứng xử dành cho công nhân trong sản xuất và thiết kế.
Đại dịch Covid-19 thay đổi quan điểm của một số thương hiệu, đặc biệt là sau khi các tuần lễ thời trang bị hủy bỏ hoặc buộc phải giới thiệu/trình diễn trên không gian ảo.
Sipa tin rằng, sự thay đổi thực sự đang đến, ngành công nghiệp thời trang đang nhận thức được tính cấp bách của đổi mới do tình trạng biến đổi khí hậu và nhu cầu ngày càng tăng từ người tiêu dùng dành cho các lựa chọn bền vững hơn. Đây là điều mà nhà thiết kế trẻ đang theo đuổi. Sipa dự định tiếp tục thử nghiệm với dây điện, nghiên cứu làm thế nào có thể sản xuất được bằng máy và tìm thấy phân khúc cho hàng dệt ngoài may mặc.