Nội dung trưng bày mỹ thuật cổ đại được bảo tàng trích từ bộ sưu tập gốm cổ Việt Nam, với 49 hiện vật. Từ các loại hình gốm gia dụng (như: bình rượu, bình vôi, bình trà...) đến loại hình gốm được tạo tác phục vụ nhu cầu tín ngưỡng (như: lư hương, bát nhang) hay các loại hình gốm dùng để trang trí (như tượng nghệ…) đều mang dấu ấn văn hóa Việt Nam qua nhiều thời kỳ, đa dạng màu men, kiểu thức hoa văn từ thế kỷ 12 đến đầu thế kỷ 20.
Trưng bày mỹ thuật hiện đại dịp này giới thiệu đến công chúng 6 tác phẩm điêu khắc chất liệu gốm, đồng, gỗ và 73 tác phẩm hội họa chất liệu sơn dầu, sơn mài, màu nước... Bên cạnh đó là 24 ký họa, phác thảo được sáng tác từ năm 1939-2021.
Nhiều tác phẩm của những nghệ sĩ đã khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực mỹ thuật như: Lê Thị Kim Bạch (Hoa tàn trên ghế tre), Lưu Công Nhân (Tranh vẽ hoa Lys), Lê Bá Đảng (Không gian), Trương Hán Minh (Thu sắc)..., đến các tác phẩm của những nghệ sĩ trẻ sẵn sàng thử thách những đề tài, chất liệu, phong cách sáng tác mới, táo bạo, góp phần làm đa dạng, đa chiều cho hoạt động mỹ thuật Việt Nam như Mạc Hoàng Thượng (Vươn tới mặt trời), Bùi Duy Khánh (Bến bình yên ), Lâm Chí Trung (Trị An mùa khô)...
Họa sĩ Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, thông tin: “Trưng bày chuyên đề lần này giới thiệu đến công chúng một phần di sản mà Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã sưu tầm và gìn giữ trong 35 năm qua, trong đó có cả hiện vật niên đại xa xưa và cả những hiện vật là những tác phẩm mỹ thuật chỉ được sáng tác những năm gần đây. Dù là tác phẩm mới sáng tác hay hiện vật niên đại lâu đời đều có giá trị kết nối với nhau diễn tả sự chuyển động của dòng chảy văn hóa, nghệ thuật Việt Nam”.
Quan tâm đến những tác phẩm sơn mài trưng bày trong chuyên đề, anh Huỳnh Phúc Khánh Huy (35 tuổi, ngụ quận 4) chia sẻ: “Tôi quan tâm và thích tìm hiểu về dòng tranh sơn mài, dòng tranh truyền thống của Việt Nam và quá trình sáng tạo ra một tác phẩm sơn mài rất kỳ công. Dịp này bảo tàng trưng bày nhiều tác phẩm hay, nhất là những tác phẩm sơn mài cỡ lớn, thỏa mắt người xem”.