Hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn bị Bộ Y tế làm ngơ.
Theo Bộ Y tế, việc quy định phải bổ sung vi chất dinh dưỡng như thêm chất iốt vào muối iốt; tăng chất sắt, kẽm vào bột mì; tăng cường vitamin A vào dầu thực vật… là nhằm ngăn ngừa nguy cơ về những căn bệnh có thể phát sinh do thiếu các chất trên, như bướu cổ, chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng ở người trưởng thành, không cải thiện tầm vóc con người…
Tuy nhiên, ở góc độ sản xuất, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là quy định không hợp lý, bởi thị trường xuất khẩu không cho phép sản phẩm sản xuất được bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sản phẩm chế biến.
Để có thể thích ứng quy định này, nhiều doanh nghiệp đã phải đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất hoặc phải tách dây chuyền sản xuất riêng cho sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa. Điều này làm gia tăng chi phí sản xuất, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, UBND TPHCM đã có Văn bản số 3148/UBND-VX ngày 16-7-2018 đề nghị Bộ Y tế tháo gỡ những quy định bất hợp lý của nghị định trên. Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi Nghị định 09. Thế nhưng, đến nay Bộ Y tế vẫn còn tiếp tục lấy ý kiến các bên và báo cáo Chính phủ quyết định lại.
Có thể nói, trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, việc chậm tháo gỡ quy định trên đã khiến cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Ở góc độ thị trường, các doanh nghiệp trong ngành gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận kênh phân phối thị trường bán lẻ. Mặt khác, thị trường bán lẻ hiện đại đang bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp ngoại.
Việc nắm giữ đa dạng hình thức bán lẻ này cho phép các doanh nghiệp ngoại chủ động trong thu mua, buôn bán theo chuỗi, tận dụng lợi thế chuỗi để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Do vậy, cơ hội bán hàng của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi bán lẻ này, cũng như giữ được thị phần nội địa ngày càng trở nên khó khăn.
Để giúp doanh nghiệp ổn định phát triển, các cơ quan chức năng cần sớm loại bỏ những quy định không hợp lý, mà cụ thể ở đây là việc phải bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm chế biến.
Đồng thời, có giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp bán lẻ uy tín trong nước như Sài Gòn Coop, Satra Mart, Vinmart… mở rộng thêm quy mô các cửa hàng hiện tại, tăng thêm số lượng các cửa hàng mới.
Từ đó, các doanh nghiệp bán lẻ nội có khả năng tăng sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài tại thị trường Việt Nam, kéo theo doanh nghiệp nội cũng có chỗ đứng vững chắc hơn tại thị trường nội địa.