Các ý kiến tại hội thảo thống nhất nhận định, phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường.
TS. Lại Văn Mạnh (Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường), kiến nghị, để thực hiện được các đề xuất chính sách trong ngắn hạn, Việt Nam cần xây dựng kế hoạch hành động quốc gia; thiết kế bộ tiêu chí chung ở cấp quốc gia, tiêu chí đối với các ngành, lĩnh vực và đối với từng loại hình dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các chính sách đặc thù để khuyến khích thực hiện KTTH. Bên cạnh đó, cần xem xét sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật về đầu tư công… để thúc đẩy áp dụng KTTH vào thực tiễn.
Trong sản xuất nông nghiệp, PGS.TS. Phan Thế Công, Trưởng Bộ môn Kinh tế học, Trường Đại học Thương mại cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề xói mòn đất, sự gia tăng khí thải và rác thải trong nông nghiệp, trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Do đó, việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống.
“Phát triển mô hình KTTH bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ giúp Việt Nam tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, giảm ô nhiễm môi trường và tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu, nhiên liệu”, ông Phan Thế Công khẳng định.
TS. Phạm Thị Tố Oanh, Trưởng Ban chính sách và phát triển HTX, Liên minh HTX Việt Nam nhận định, Nhà nước chưa có tiêu chí cho các mô hình KTTH, một số chính sách về bảo vệ môi trường đang thiếu các điều kiện để triển khai như: hỗ trợ thu gom và quản lý rác thải ở nông thôn, sử dụng khí sinh học, sản xuất sạch, quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng…
Đặc biệt, việc áp dụng mức thuế suất của Luật Thuế Tài nguyên (2009) mới chỉ đặt mục tiêu điều tiết tài nguyên có giá trị cao (thể hiện ở mức thuế suất áp dụng đối với khoáng sản không kim loại và dầu thô), mà chưa hướng đến việc hạn chế khai thác tài nguyên làm nguyên liệu hay bảo tồn thiên nhiên.
Từ đó, bà Tố Oanh đề xuất bổ sung các chính sách, quy định cụ thể theo hướng quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực…
Từ quá trình nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, Trung Quốc đã ban hành Luật Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (có hiệu lực từ tháng 1 năm 2009), theo đó, bất kỳ chính sách công nghiệp mới nào do Chính phủ tạo ra đều phải đáp ứng các tiêu chí thúc đẩy nền KTTH. Các ngành công nghiệp phải thực hiện các hệ thống quản lý nhằm giảm việc sử dụng tài nguyên và phát sinh chất thải, đồng thời cải thiện việc thu hồi và tái chế tài nguyên. Trên cơ sở phân tích một số chính sách gần đây liên quan đến phát triển KTTH ở Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hồng Quân, có 3 nhóm lĩnh vực cần ưu tiên hoàn chỉnh khung pháp lý, bao gồm: KTTH trong nông nghiệp; trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất; khu công nghiệp sinh thái và cộng sinh công nghiệp. Một số chủ đề khác liên quan đến lồng ghép KTTH trong phát triển năng lượng tái tạo, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững, phát triển kinh tế địa phương… sẽ được nghiên cứu, đề xuất trong thời gian tới.