Bổ sung Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao là đối tượng cảnh vệ

Qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình thực tiễn hiện nay, Chính phủ cho rằng, cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao.

Bổ sung Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao là đối tượng cảnh vệ

Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến trong phiên họp thứ 30, chiều 22-2.

Theo tờ trình do Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng trình bày, Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua năm 2017, có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2018. Đến nay, thực tiễn đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề như đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ.

toi-22-9339.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 15/33 điều của Luật Cảnh vệ, trong đó tập trung vào các chính sách lớn như sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, chế độ, chính sách đối với công tác cảnh vệ.

Pháp luật hiện hành quy định 3 nhóm đối tượng cảnh vệ, gồm: Con người, khu vực trọng yếu và các sự kiện đặc biệt quan trọng. Trong đó, đối tượng cảnh vệ là con người bao gồm: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.

Tuy nhiên, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình thực tiễn hiện nay, Chính phủ cho rằng, cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao.

Chính phủ cũng đề nghị quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng. Theo đó, dự thảo luật được sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng. Cụ thể: "Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức có đối tượng cảnh vệ tham dự; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ tham dự".

Chính phủ lý giải, sự kiện có đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo chủ chốt gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và khách quốc tế có chức vụ tương đương tham dự, được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng.

toan-canh-30b-3981.jpeg
Quang cảnh phiên họp

Bên cạnh đó, dự thảo luật bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Chính phủ lý giải, công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Do đó, tùy tình hình an ninh trật tự trong từng thời điểm mà có biện pháp cảnh vệ phù hợp cho từng đối tượng phù hợp.

“Việc thực hiện nhiệm vụ này không làm phát sinh nguồn lực tài chính vì thực tế nhiệm vụ này đã và đang được thực hiện trên cơ sở cân đối nguồn lực, tài chính hiện tại, do vậy không làm phát sinh chi phí, nhân lực”, tờ trình nêu.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trong tờ trình và điều chỉnh của dự thảo luật; phù hợp mục đích, quan điểm xây dựng luật là thể chế đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát toàn diện Luật Cảnh vệ hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho đầy đủ, tránh việc phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định hoạt động cảnh vệ ở ngoài lãnh thổ Việt Nam để bảo đảm đầy đủ địa bàn của công tác cảnh vệ, vì hoạt động của đối tượng cảnh vệ không chỉ ở phạm vi trong nước.

Tin cùng chuyên mục